Sáng 8/8, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cùng đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Hải Dương nằm trong những tỉnh dẫn đầu về thực hiện Đề án 06

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã kiến nghị Bộ Công an tiếp tục quan tâm, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua các dự án luật: Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; Căn cước công dân; Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công an cấp xã về tổ chức đảng, chức năng và nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao các kết quả phát triển Hải Dương đạt được trong thời gian qua, trong đó có những thành tựu nổi bật về bảo đảm an ninh trật tự, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Tô Lâm làm việc với Tỉnh uỷ Hải Dương.

Hải Dương đã làm tốt công tác phòng chống tội phạm; giải quyết, xử lý nghiêm túc, bài bản, đúng quy định các vụ án trọng điểm. Đây là 1 trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; rất quan tâm, coi trọng xây dựng lực lượng công tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Chú trọng phòng ngừa tội phạm

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, Hải Dương cần tập trung giảm nghèo, an sinh xã hội, không để xảy ra những mâu thuẫn để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Bám sát những chủ trương, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt coi trọng, làm tốt công tác bảo đảm an ninh-quốc phòng, giữ vững ổn định xã hội; chủ động phòng ngừa các loại tội phạm, phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng xã hội không có tội phạm.

Hải Dương cũng cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, sớm hoàn thành xây dựng trụ sở và trang bị phương tiện, thiết bị để công an cấp xã trong tỉnh có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Nhiều ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, Hải Dương là tỉnh sớm nhất ban hành nghị quyết thực hiện Đề án Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).

Với những giải pháp, cách làm chủ động, quyết liệt, Hải Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho 100% số công dân đủ điều kiện trong tỉnh.

Xử lý vấn đề môi trường tại các nhà máy nhiệt điện 

Cũng tại buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm nêu quan điểm: Hiện nay vấn đề liên quan đến môi trường tại các nhà máy nhiệt điện, xi măng có lịch sử lâu đời đang được nhà nước quan tâm. Việc xử lý môi trường với phát thải bằng 0 là rất quan trọng. Thực hiện mục tiêu này không những để đảm bảo môi trường trong nước, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm với quốc tế.

Theo Bộ trưởng, nhiều nhà máy điện như nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương) đã xây dựng và đi vào hoạt động từ rất lâu, gắn liền với đó sự tiên phong trong phát công nghiệp năng lượng cả nước. Do đó, xử lý về vấn đề môi trường tại đây cần có lộ trình, hài hòa, tránh tác động lớn đến phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Tô Lâm cũng yêu Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) báo cáo, giải thích rõ về việc xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh Hải Dương luôn chú trọng công tác an ninh trật tự, xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ.

Thiếu tướng Trần Minh Lệ cho hay, tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và đã có những chỉ đạo về lĩnh vực môi trường.

Tháng 5/2022, C05 đã chủ động làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, yêu cầu rà soát các đơn vị của tập đoàn việc chấp hành pháp luật về môi trường. C05 cũng làm việc với ngành thép, xi măng, trong đó có nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

"Sau một năm yêu cầu, vào ngày 24/5/2023, C05 mới tiến hành kiểm tra tại Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại. Nhà máy có dây chuyền hoạt động từ năm 1982, còn lại là từ năm 2002. Khi kiểm tra đã phát hiện nhà máy vi phạm về ô nhiễm môi trường. C05 ban hành quyết định xử phạt hành chính nhà máy số tiền hơn 3,9 tỷ đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 12 tháng", Thiếu tướng Trần Minh Lệ thông tin.

Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường.  

Cũng theo ông Lệ, Nghị định 45 của Chính phủ quy định rất rõ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đối với hình phạt bổ sung còn liên quan đến an ninh năng lượng, C05 đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan để có hướng hợp lý.

Như đã đưa tin, ngày 10/7, Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại nhận quyết định của C05 về vi phạm thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn về chất thải tại ống khói dây chuyền I.

C05 đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng mức tiền phạt 3,925 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu đình chỉ hoạt động của Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại trong 12 tháng. 

Nguyễn Thị Thu Hằng HP, Lê Tiến Dũng, Lê Diệu Thúy, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Thái Khang