Đó là chia sẻ của Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà ngay sau khi dự Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội thông qua chiều 17/11, với 92% đại biểu tán thành.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong suốt thời gian vừa qua vấn đề môi trường của đất nước đang đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, do mô hình phát triển kinh tế của chúng ta chưa bền vững. Chính vì vậy chất lượng môi trường nói chung cũng như đa dạng sinh học và hệ sinh thái bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, đã xảy ra sự cố môi trường lớn (Formosa - PV). Chính vì vậy, cử tri, ĐBQH rất mong muốn có một chính sách để làm thay đổi những vấn đề về môi trường của đất nước.

{keywords}
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

“Với tư cách là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, tôi rất phấn khởi khi thực hiện được cam kết, lời hứa với cử tri và ĐBQH về mong muốn này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chúng ta cần chuyển sang một trang mới, giai đoạn mới đối với công tác bảo vệ môi trường.

Đặc biệt việc nâng cao chất lượng trong phát triển kinh tế, chú trọng vào kinh tế tri thức, kinh tế số, giảm bớt hoạt động con người phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên.

Điều này đòi hỏi phải có nhận thức mới, tư duy mới trong bảo vệ môi trường.  Đó cũng là mục tiêu của Bộ luật lần này.

Nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi nhắc đến Luật Bảo vệ môi trường là việc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?

Luật đã nói rất rõ là thông tin gì phải công khai, trách nhiệm của ai phải công khai, công khai bao giờ. Nói về đánh giá tác động môi trường, Luật lần này đã gắn trách nhiệm của các chủ thể là các doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước đưa ra các quy chuẩn và các chuẩn mực yêu cầu của công tác quản lý đặt ra đối với dự án.

Vì vậy, từ khi bắt đầu có dự án đầu tư, từ khâu làm các chủ trương, chuẩn bị tiền khả thi, cho đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp đồng thời phải làm các đánh giá tác động môi trường. Khi đã làm xong và thực hiện theo đúng hướng dẫn thì trình lên cơ quan có thẩm quyền ở địa phương hoặc Bộ TN-MT, DN phải công khai văn bản trên cổng thông tin của của mình. Bộ TN-MT tiếp nhận văn bản sẽ tiến hành việc công khai để tham khảo, tham vấn ý kiến trên Cổng thông tin điện tử.

Nội dung thông tin công khai sẽ gồm cả công khai thành viên của Hội đồng, kết quả thẩm định của Hội đồng và nếu cần thiết sẽ công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu.

Những vấn đề chi tiết, trình tự, thủ tục cụ thể sẽ do Chính phủ quy định, còn quy định trách nhiệm và nội dung thì đã quy định trong Luật này.

Tại cuộc họp ngày 5/11 với các chuyên gia, Bộ trưởng đã tiếp thu và cho biết sẽ bổ sung nội dung cơ quan thẩm định sẽ công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường khi tiếp nhận để thẩm định và khi được phê duyệt. Nhưng luật vừa thông qua lại chỉ quy định cơ quan thẩm định công bố quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường?

Tại sao sản phẩm của bạn lại bảo tôi đi công khai. Bạn phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đó, bởi vì tôi công khai xong vài hôm bạn bảo đấy không phải bản đúng.

Doanh nghiệp khi đưa ra báo cáo đó lên cho Nhà nước, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và công khai báo cáo đó. Còn Nhà nước sẽ công khai kết quả thẩm định báo cáo đó.

Tức là cơ quan nhà nước phải công khai các nội dung: một là hội đồng, hai là kết quả thẩm định chứ Nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp, ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Không có gì úp mở cả

Nếu giao hết cho doanh nghiệp như vậy thì làm sao để tránh việc nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, che giấu những thông tin quan trọng cần phải xin ý kiến của chuyên gia?

Luật quy định, DN có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ báo cáo theo hướng dẫn của Luật để nhận diện các tác động, xem xét các giải pháp và DN muốn có lợi thì phải tung báo cáo đó ra xin tư vấn. DN có muốn che giấu cũng không được, vì cơ quan nhà nước sẽ công bố toàn bộ kết quả thẩm định, có cả Hội đồng.

Thậm chí khi đã thẩm định, phê duyệt kết quả xong thì chuyển ý kiến tiếp tục công bố cho xã hội biết tác động thế này, giải pháp thế này, chúng tôi đồng ý thế này.

DN còn phải mất nhiều công sức mới hoàn thành được việc nhà nước yêu cầu. Việc này sẽ công khai cho xã hội biết hết, không có gì úp mở cả. 

Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ triển khai các bước tiếp theo như thế nào để Luật sớm đi vào cuộc sống?

Cần phải khẳng định một lần nữa, đây là lần đầu tiên chúng ta thống nhất thành một đạo luật trên tinh thần phân công, phân cấp về trách nhiệm quản lý.

Đây là lần đầu tiên ở Trung ương đã thống nhất là Chính phủ và một bộ sẽ chịu trách nhiệm. Đây là lần đầu tiên phân cấp rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương, những vấn đề này thì sắp tới chúng ta phải sẽ phải bàn về việc tổ chức thực hiện cho hiệu quả. 

Luật này với 171 điều, tập trung vào 12 nhóm chính sách và Quốc hội đã luôn nói đây là một luật lớn, đồ sộ và phức tạp. Vì vậy, việc triển khai tổ chức đương nhiên sẽ rất khó khăn. Thời điểm áp dụng luật là ngày mùng 1/1/2022.

Chúng tôi sẽ lựa chọn quy định khoảng 4-5 văn bản tầm nghị định, những nội dung trong đó sẽ chi tiết, có những quy định mang tính nguyên tắc, có quy định chi tiết, để mỗi người dân và DN có thể hiểu và áp dụng dễ dàng.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến DN và người dân. Thứ hai là cần phải đánh giá khả năng thực thi việc tổ chức bộ máy.

Trong những việc phân cấp nhiều hơn cho địa phương, phân cấp đến cấp xã, cấp phường thì cần phải đánh giá tổ chức bộ máy, nhân sự và có những kiến nghị để đáp ứng được yêu cầu. 

Thu Hằng

Khi nghị trường mang hơi thở nóng bỏng của cuộc sống

Khi nghị trường mang hơi thở nóng bỏng của cuộc sống

Những gì đang diễn ra nóng bỏng ngoài xã hội chính là những chủ đề nóng của nghị trường, những gì Quốc hội đang bàn đến đều hướng tới phục vụ cho quốc kế dân sinh.