Theo quy định hiện hành về khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế (BHYT), khi người bệnh ở các xã đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện hạng 3 thì không cần giấy chuyển viện, nhưng khi đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện.

Thực tế một số địa phương không có bệnh viện tuyến huyện (bệnh viện hạng 3) trực thuộc trung tâm y tế huyện mà có bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện (bệnh viện hạng 2). Khi bệnh nhân ở xã đến khám và điều trị bệnh ở bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện.

Đây là những phản ánh của cử tri tỉnh Bến Tre liên quan lĩnh vực y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Cử tri tỉnh này kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện (bệnh viện hạng 2) nhằm giảm phiền hà cho bệnh nhân.

Trả lời vấn đề này, trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm được quy định rõ ràng tại Luật Bảo hiểm y tế. Chính sách này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT khi có nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến trên, đồng thời đảm bảo quản lý Quỹ BHYT hiệu quả.

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi mức hưởng khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước.

Từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở tuyến tỉnh cũng được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi, mức hưởng.

Bộ trưởng Y tế cho rằng kiến nghị của cử tri "bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với các bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện", tức là cho phép người tham gia BHYT được thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú tại các bệnh viện này mà không cần giấy chuyển viện, là "một đề xuất có thể giúp giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân".

"Tuy nhiên, việc này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện tỉnh, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Lan cho biết.

Cử tri tỉnh Bến Tre cũng phản ánh với người cao tuổi, việc tầm soát bệnh là rất cần thiết nhưng nhiều dịch vụ khám tầm soát bệnh chi phí khá cao lại chưa được BHYT chi trả. Vì thế nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn chưa được tầm soát bệnh tật đầy đủ.

W-bao hiem xa họi   Thach Thao (15).jpg
Cử tri kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của BHYT đối với một số xét nghiệm tầm soát bệnh. Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo

Cử tri kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của BHYT đối với một số xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu... để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện bệnh sớm giúp việc điều trị thuận lợi hơn. Nếu không tầm soát, không phát hiện bệnh kịp thời, khi điều trị bệnh nhân sẽ tốn kém hơn trong khi BHYT cũng phải chi trả.

Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri liên quan đến việc mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT đối với các dịch vụ tầm soát bệnh như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu và một số xét nghiệm tầm soát khác, bà Đào Hồng Lan thông tin: "Bộ Y tế hiểu rõ rằng việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi".

"Tuy nhiên, dựa trên khả năng chi trả của Quỹ BHYT, mức đóng BHYT, chi phí hiệu quả, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", Bộ trưởng Lan cho biết.

Nhiều thuốc ung thư không được BHYT thanh toánCử tri phản ánh hiện thuốc điều trị ung thư ở bệnh viện công đa số không có trong danh mục bảo hiểm y tế, khiến bệnh nhân phải tự mua thuốc, người lao động bị bệnh "đã khó khăn giờ khó khăn hơn".