- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết các quy định do Bộ Y tế ban hành đều đã có đầy đủ, ai không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Phát biểu trong hội nghị “Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2013 và kế hoạch năm 2014” tổ chức tại Hà Nội sáng 20/8, Bộ trưởng Tiến lần đầu tiên bày tỏ ý kiến của mình về những vụ việc chấn động nối tiếp nhau xảy ra trong thời gian qua.
Trong đó, đặc biệt gây chú ý là vụ việc nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), vụ tai biến vắc xin ở Quảng Trị và mới đây nhất là sai phạm ở các phòng khám tư nhân khiến dư luận bức xúc.
Ai sai phải xử nghiêm
Đối với vụ việc xảy ra ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), bà Tiến cho biết trong công tác quản lý ngành, trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách, đốc thúc thực hiện các quy định nhưng triển khai thực thi chính sách là nhiệm vụ của chính quyền (theo phân cấp về địa bàn hành chính).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Lấy vấn đề vắc xin làm ví dụ, người đứng đầu ngành y tế cho biết luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ là cung cấp đủ tài chính để làm sao vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Còn Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tiêm chủng, đôn đốc các đơn vị thực hiện, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ triển khai tiêm chủng mở rộng, còn tại nơi thực hiện tiêm người tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình, có quy định đầy đủ rồi.
UBND là người phê duyệt, bổ nhiệm giám đốc Sở, phân cấp tiền bạc, giám sát, kiểm tra là hệ thống thanh tra, hệ thống sở y tế và các sở liên quan, chính quyền địa phương nơi đó. Còn việc thực thi sai chỗ nào (như ở Hoài Đức - PV), ai làm không nghiêm sẽ phải xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Trong vụ việc này, bà Tiến nhấn mạnh đến trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo bệnh viện, thanh tra Sở.
"Cả một khoảng thời gian dài thu tiền như thế, để phiếu xét nghiệm như thế mà không ai biết thì chúng ta cũng phải nói đến trách nhiệm trực tiếp, rõ ràng của trưởng khoa, giám đốc bệnh viện, kể cả công tác thanh kiểm tra cũng yếu”, bà Tiến nói.
Truyền thông yếu kém!
Với sai phạm tại phòng khám tư nhân (tại các phòng khám tư, những y sỹ đông y thậm chí là cả nữ hộ sinh cũng có thể thực hiện siêu âm hoặc nội soi cho bệnh nhân - PV), Bộ trưởng Tiến cho biết cơ sở pháp lý đã có đầy đủ (về lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân), nhưng có những đối tượng không có chứng chỉ vẫn cố tình hành nghề.
BV Hoài Đức, nơi xảy ra vụ nhân bản kết quả xét nghiệm chấn động |
Trong khi đó, lưc lượng thanh tra giám sát mỏng, trên Sở Y tế chỉ có 5-7 thanh tra, có tỉnh chỉ có 3 thanh tra, lại thanh tra bao nhiêu việc, cả dược, hành nghề tư nhân… nên không thể thanh tra hết được.
"Thanh tra xử lý vi phạm được một thời gian thì phòng khám lại tái phạm. Đây cũng là bài toán khó, lãnh đạo các Sở Y tế cần nghiên cứu xem những trường hợp này. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là của bộ y tế, xử lý sai phạm là trách nhiệm của địa phương”, bà Tiến nói.
Người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận công tác truyền thông trong toàn ngành còn yếu kém. Dẫn đến tình trạng những việc làm được thì không được nêu nhưng khi có “sự cố”, có sai sót thì bị dư luận phản ứng, không phân định rõ nhiệm vụ nào của người trực tiếp gây ra, nhiệm vụ nào là của giám đốc bệnh viện, nhiệm vụ nào là của giám đốc sở, nhiệm vụ nào là của chính quyền địa phương, nhiệm vụ nào của bộ y tế và các sở ban ngành liên quan, dẫn đến bức xúc.
Với vụ việc xảy ra ở Hoài Đức và vụ tai biến vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết phải chờ kết luận cuối cùng của công an để đảm bảo khách quan, chính xác.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các giám đốc sở chỉ đạo giám đốc các bệnh viện, các phòng y tế, phòng xét nghiệm thực hiện nghiêm thông tư số 9 về quy trình xét nghiệm.
“Chúng ta có hết quy trình lấy mẫu và tiêu chuẩn phòng xét nghiệm, nơi nào không làm như thế là không được và giám đốc bệnh viện, trưởng khoa xét nghiệm phải chịu trách nhiệm”, bà Tiến nói.
Không ngờ có sự việc xảy ra như thế! Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết thời gian vừa qua đã xảy ra một số sự việc như sự việc ba trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắcxin. Đây là một lỗi kỹ thuật rất nghiêm trọng, chưa bao giờ xảy ra và rất hy hữu trong ngành. Vụ xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài Đức, theo ông Tuấn, là sự việc rất đáng tiếc và là điều mà “chúng tôi không thể ngờ là lại có thể xảy ra như thế”. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh “Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm do chủ quan của cán bộ y tế do không tuân thủ các quy định của ngành”. |
Cẩm Quyên