Báo Nikkei của Nhật Bản hôm 11-3 đưa tin Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang xây dựng chuỗi thu mua đất hiếm để chống lại sự thống trị của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện sản xuất gần 60% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Sức mạnh thị trường của nước này đặt ra những lo ngại về nguồn cung.
Các quốc gia Đối thoại An ninh Tứ giác (gọi tắt là "Quad") có ý định chống lại sự thống trị của Trung Quốc bằng cách hợp tác tài trợ cho các dự án phát triển và công nghệ sản xuất mới, đồng thời dẫn đầu về soạn thảo các quy tắc quốc tế.
Ban đầu, họ sẽ tập trung đưa ra công nghệ lọc chất thải phóng xạ với chi phí thấp, thu xếp để tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp khai thác và lọc dầu. Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ kế hoạch xử lý quặng của Úc tại Mỹ và Nhật Bản đang cân nhắc có nên tham gia thỏa thuận này hay không.
Từ trái qua và từ trên xuống: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: India Today |
Các nhà lãnh đạo của "Bộ tứ" gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison dự kiến tham dự một cuộc họp trực tuyến hôm 12-3 để "xác nhận kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm do Trung Quốc sản xuất".
Các nhà lãnh đạo cũng được cho là sẽ chia sẻ mối quan tâm của họ về những hành vi khiêu khích trên biển của Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều khả năng họ sẽ đồng ý hợp tác cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước đang phát triển.
Nhiều công ty công nghệ lớn dựa vào đất hiếm do Trung Quốc sản xuất như neodymium - rất cần thiết cho xe điện và lithium - được sử dụng trong pin. Các kim loại này cũng rất cần thiết cho tuốc-bin gió và cơ sở hạ tầng "khử cacbon" khác.
Theo Nikkei, Trung Quốc gần như độc quyền trong việc tách và tinh chế đất hiếm, gây ra những lo ngại liên quan đến môi trường và hủy hoại đất. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu quặng đất hiếm sản xuất trong nước sang Trung Quốc, sau đó nhập khẩu 80% lượng đất hiếm tinh chế trở lại.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết vào năm 2020, Trung Quốc chiếm 58% sản lượng đất hiếm toàn cầu, giảm so với khoảng 90% cách đây 4 năm. Nguyên nhân là do Mỹ và Úc dần dần tăng cường sản xuất đất hiếm của riêng mình.
Trung Quốc xem đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược và đã sử dụng vị thế gần như độc quyền của nước này như một quân bài thương lượng ngoại giao. Năm 2010, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc cho Nhật Bản bị tạm ngưng sau khi Tokyo tuyên bố sở hữu quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Sau khi Trung Quốc ngừng vận chuyển đất hiếm, giá một số kim loại đã tăng vọt gần 9 lần.
(Theo Người Lao Động)