Theo đó, Bộ Y tế phân bổ 569,8 tỷ cho các đơn vị trực thuộc Bộ để đảm bảo công tác phòng chống dịch cụ thể như sau:
- Kinh phí hoạt động giám sát, đào tạo, tập huấn, vật tư, hóa chất xét nghiệm, chế độ chống dịch cấp cho các Viện phòng bệnh là 152,6 tỷ đồng.
- Kinh phí cho 13 bệnh viện (BV) thực hiện điều trị phòng chống dịch Covid-19 là 251,3 tỷ đồng.
- Kinh phí mua vật tư, trang thiết bị dự phòng để cấp cho các đơn vị, địa phương khi cần thiết là 165,8 tỷ đồng.
Công việc mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục triển khai.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, qua 2 đợt dịch bùng phát ở Việt Nam thì ca bệnh số 1, ca bệnh sô 17, ca bệnh 426 - là những ca đầu tiên được phát hiện trong BV. Các BV lớn tưởng chừng là những thành trì vững chắc thì lại bị đóng cửa ngay từ đầu như BV Bạch Mai, BV đa khoa Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chấn thương chỉnh hình và BV Hoàn Mỹ.
"Qua đó cho chúng ta bài học không được lơ là - từ vấn đề phân luồng cách ly, phát hiện sớm kết hợp với y tế dự phòng" - ông Phu nói. Số liệu tổng kết có khoảng 3,1% những bệnh nhân (BN) nặng tử vong và khoảng 3% BN có bệnh lý nền - rõ ràng là chúng ta cần phải quan tâm.
Ông Phu nhìn nhận, từ thực tế đó chúng tôi đã đưa ra một chiến lược, kinh nghiệm trong điều trị và phải tập trung quan tâm đến hệ thống của các BV. Từ việc đào tạo thầy thuốc, cán bộ y tế những kỹ năng sử dụng máy thở, máy hút mô, thuốc, trang thiết bị - đặc biệt là các điều kiện về thông thoáng trong các khoa khám chữa bệnh.
Hiện nay chúng tôi đã đề nghị tất cả các BV cho phép xét nghiệm các thầy thuốc ở những khu vực này 14 ngày/ lần, được bảo hiểm thanh toán. Những BN có nghi ngờ đều được xét nghiệm sớm.
Vẫn theo ông Phu, tất cả những nhóm giải pháp này chúng tôi đưa thành bộ "An toàn BV" gồm 37 nhóm tiêu chí và giao cho các Sở Y tế đi tổ chức kiểm tra. Tiến tới công khai trên mạng để người dân lựa chọn những BV có an toàn cao, an toàn, an toàn thấp. Căn cứ đó, BV nào chưa đạt tiêu chí an toàn thì mạnh dạn tạm thời đóng cửa - để chấn chỉnh nhằm mục tiêu là làm sao ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch có thể bùng trở lại.
"Thực tế, Việt Nam và các nước trên thế giới cũng đang hết sức nỗ lực và rất hy vọng trong năm 2021 Việt Nam sẽ có vắc-xin để sử dụng. Chính phủ, Bộ Y tế cũng hết sức nỗ lực và cũng đã có những cam kết để thế giới có vắc xin thì Việt Nam cũng sẽ có vắc-xin" - ông Phu cho biết và lưu ý, tuy nhiên vắc xin không phải là hoàn toàn vì chúng ta chưa biết hết về con Covid-19 này có thể có những chủng mới - cho nên phòng bệnh không được chủ quan là điều quan trọng nhất.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, trong mùa đông xuân tới, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh không chỉ riêng Covid-19 mà còn có thể các dịch bệnh khác có thể xảy ra.
Bộ đã có chỉ thị về công tác phòng chống dịch trong mùa đông xuân tới. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch Thủ tướng đã chỉ đạo không để dịch chồng dịch.
Chúng ta cần làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 đồng thời, phải phòng chống các dịch bệnh khác....
Kiều Oanh