Các tỉnh Tây Nguyên căng mình chống dịch
Tính đến ngày 21/7/2020 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 108 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, đã có 2 ca tử vong tại Đắk Nông và 1 ca tại Gia Lai.
Các tỉnh Tây Nguyên đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Tại Gia Lai, ngành y tế đã tổ chức khám sàng lọc 5.210 người dân làng Bok Rei, xã Hải Yang; xã Ðăk Sơ Mei và làng H’Lang, xã Hnol; cấp hơn 51 nghìn viên thuốc kháng sinh Erythromycin điều trị dự phòng. Người dân làng Bông Hiot, xã Hải Yang cũng được tiêm vắc-xin. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã quyết định cấp hơn 6,8 tỷ đồng để các ngành, địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát dịch.
Tỉnh Ðắk Nông cũng tiến hành điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại các khu vực dân cư có ghi nhận ca bệnh. Các khu vực phát hiện có ổ dịch cũng đã được tiêu độc, khử trùng; các trường học có người bệnh theo học, và các chốt cách ly đều được khử khuẩn. Tỉnh đồng thời tiến hành tiêm vắc xin cho người dân ở vùng dịch và khu vực có nguy cơ cao.
Tỉnh Kon Tum tập trung triển khai tiêm vắc-xin cho các đối tượng từ 7 - 25 tuổi tại những xã có ca bệnh để phòng tránh và tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Còn tại tỉnh Ðắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật rà soát các trường hợp có biểu hiện viêm họng và tăng cường giám sát ca bệnh nghi ngờ ở các xã vùng sâu, vùng xa, khi phát hiện ca bệnh lập tức khoanh vùng, cách ly các khu vực đó.
Tuy cả 4 tỉnh Tây Nguyên đang có dịch bạch hầu đều đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp phòng chống nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng.
Hỗ trợ 4 tỉnh dập dịch
Ngày 21/7/2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm Trưởng đoàn, cùng với các Tổ công tác của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có buổi làm việc với đại diện ngành Y tế các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu.
Chia sẻ thông tin tại buổi làm việc, đại diện ngành Y tế các tỉnh đang có dịch đặc biệt nhấn mạnh công tác điều trị bệnh nhân bạch hầu đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) khan hiếm. Đồng thời, thiết bị, máy móc cùng nguồn nhân lực cũng tạo ra nhiều hạn chế ảnh hưởng đến việc điều trị, đặc biệt với những ca biến chứng nặng.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp các tỉnh Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân bạch hầu.
Theo bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ điều trị bằng hình thức hội chẩn trực tuyến đối với các ca bệnh khó, diễn biến phức tạp.
Ông Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc hội chuẩn trực tiếp với sự tham gia của nhiều đơn vị sẽ giúp công tác điều trị các bệnh nhân nặng đạt hiệu quả tốt hơn. Ông Cơ cho biết, hiện 4 tổ công tác gồm các bác sĩ chuyên khoa khác nhau đã sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để hỗ trợ cho Tây Nguyên phòng chống và dập dịch bạch hầu.
Theo ông Cơ, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối đưa huyết thanh kháng độc tố bạch hầu về điều trị cho bệnh nhân bạch hầu, dự kiến trong cuối tháng 7/2020 sẽ có nguồn thuốc cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã giao việc nhập khẩu thuốc sớm để phân bổ kịp thời cho các địa phương có dịch. Thứ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện phải rà soát xây dựng phác đồ điều trị bệnh mới nhất, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Tây Nguyên.
Đoàn công tác ghi nhận nhiều ý kiến về những khó khăn để báo cáo lên Bộ trưởng, từ đó có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai hiệu quả công tác điều trị và dập dịch bạch hầu.
D. An (tổng hợp)