Ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, việc tiêm vắc xin là yêu cầu của phòng chống dịch. Người dân cần đi tiêm đúng lịch.
“Ký cam kết thể hiện chúng ta đặt vai trò cao hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. Việc ký cam kết trách nhiệm các bên là cần thiết”, ông Lân khẳng định.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lý giải, việc này để chính quyền, người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả vắc xin cũng như ứng phó biến thể mới. Theo ông Lân, virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường. Thế giới đáng giá biến hóa của virus với 5 tiêu chí. Trong đó có độ lây lan, tăng sức chịu đựng với vắc xin, giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán…
Qua theo dõi dịch bệnh Covid-19 sau 2,5 năm, ông Lân khẳng định: “Bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng lây lan, giảm dần xu thế dịch, biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 biến hóa khôn lường. Chúng ta trải qua 5 đợt dịch, trong đó chủng Omicron có đến 5 biến thể phụ”.
"Tháng 9/2021, khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta nghĩ đến kịch bản xem Covid-19 như bệnh lưu hành nhưng sau đó Omicron xuất hiện lây lan quá nhanh. Tiếp theo biến thể BA4, BA5 hiện nay còn lây lan nhanh hơn".
“Thông điệp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất rõ, nơi nào chưa an toàn có nghĩa là vùng chưa tiêm chủng vắc xin và có nguy cơ phát sinh biến thể mới. Vắc xin đáp ứng khác nhau với các biến thể nhưng đều giảm nặng, tử vong”, ông Lân khẳng định.
Ông Lân nói, nếu các biến thể mới không ảnh hưởng gì hoặc lây lan như BA4, BA5, vắc xin vẫn hiệu lực. Chúng ta phải tiêm theo khuyến cáo. “Trường hợp biến thể mới lây lan nhanh và kháng vắc xin, biện pháp chống dịch không đơn thuần chỉ là vắc xin, chúng ta có biện pháp tổng thể hành chính xã hội và vắc xin”, ông Lân nói.
Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay nhiều người dân khi đã tiêm xong liều cơ bản, sau đó mắc Covid-19 có sự chủ quan không tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên, kháng thể sau mắc Covid-19 sẽ không bền vững cho nên vẫn cần phải tiêm mũi nhắc lại 3-4.
“Vắc xin Covid-19 đủ để cung ứng, đảm bảo đủ tiêm nhắc lại chứ không dư thừa. Nhưng do người dân chưa hiểu đầy đủ, chưa tích cực tham gia. Nhiều người dân không đi tiêm theo kế hoạch, mời tận nơi nhưng từ chối”, bà Hồng thông tin.
Bà Hồng cũng khẳng định, việc người dân không tiêm mũi nhắc lại, dịch hoàn toàn có thể bùng phát.
Không đồng ý tiêm nhắc lại sẽ phải ký cam kết là một trong những nội dung UBND TP.HCM vừa yêu cầu trong văn bản ngày 24/6.
Cụ thể, TP yêu cầu các địa phương, sở ban ngành, tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông vận động người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương tiêm hết vắc xin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vắc xin do hết hạn sử dụng.
Trong trường hợp đã vận động nhưng người dân không đồng ý tiêm, phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. TP.HCM không phải nơi duy nhất "quyết liệt" theo cách trên. Việc này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ quốc gia, cho biết hiện kho lưu trữ vắc xin còn 15 triệu liều vắc xin Covid-19. Bà Hồng khẳng định, việc tuyên truyền người dân tiêm vắc xin hiện nay không phải do thừa vắc xin.
“Chúng tôi phân bổ vắc xin có hạn sử dụng ngắn trước, lô vắc xin có hạn 30/6 đã được phân bổ đến các tỉnh, thành phố từ giữa tháng 5. Tất cả các tuyến cơ sở đang rất nỗ lực để sử dụng hiệu quả vắc xin sẵn có. Hiện chúng ta còn 15 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 có hạn sử dụng từ tháng 7 đến tháng 10".
"Tỉ lệ hao hụt vắc xin áp dụng cho tất cả các quốc gia là 10%. Nếu chúng ta tiêm đủ liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên với tỉ lệ bao phủ 90% thì lượng vắc xin thậm chí phải bổ sung thêm. Nếu chúng ta không sử dụng hiệu quả vắc xin sẵn có sẽ gây lãng phí, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp”, bà Hồng thông tin.