Bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”
Tại họp báo Chính phủ chiều tối nay, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến đề xuất của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc áp dụng kinh nghiệm chống dịch của Vũ Hán (Trung Quốc) để ngăn dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.
Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, khi ổ dịch tại 3 bệnh viện tại Đà Nẵng bùng phát đã được khoanh vùng ngay. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng Thủ tướng đã họp và chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra các giải pháp đồng bộ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Ổ dịch là tổ hợp bệnh viện và dân cư sống gần khu vực đó, việc thăm thân chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế… đã được khoanh vùng và kiểm soát rất chặt chẽ. Ngành giao thông vận tải đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, khuyến cáo người dân không có việc thì không nên đến vùng dịch thời điểm này.
“Quan điểm chung, các vùng dịch chúng ta phải tiến hành khoanh, dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Dũng lưu ý, những vùng khác không phải ổ dịch, như thôn Bùi của Thái Bình chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội thôn này, khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm kinh doanh, thông thương kinh tế.
"Kinh nghiệm các nước cũng đều thực hiện chiến lược “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng đã chỉ đạo ở Việt Nam. Hiện phần lớn các địa phương chưa có dịch, chưa phát hiện ca nhiễm Covid, có địa phương có ca dịch xuất phát từ ổ dịch Đà Nẵng… Chúng ta phải tính toán làm sao vừa đủ chứ không đưa ra trạng thái quá cứng", Chủ nhiệm VPCP nói.
Ông dẫn bài học của Singapore, khi dịch bùng phát ở khu công nhân đã đóng cửa toàn quốc. Toàn bộ nền kinh tế đã phải chi trả hơn 100 tỉ đô la Singapore để giải cứu nền kinh tế, trong khi 99% số lây nhiễm Covid-19 ở Singapore thời điểm đó là do khu ký túc xá công nhân.
Nhiều chuyên gia của Singapore cho rằng chỉ cần cách ly khu ký túc xá của công nhân là giải quyết được vấn đề, không cần đóng cửa toàn quốc vì gây ra hậu quả vô cùng lớn.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quyết định thực hiện giãn cách, phong toả thế nào là vấn đề rất quan trọng. Khi đỉnh cao của đỉnh dịch hồi đầu tháng 3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 (trước đó là Chỉ thị 15) thực hiện giãn cách toàn xã hội.
"Về ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu, để làm sao hợp lý, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cho rằng, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM phản ứng rất nhanh, tạm thời dừng những hoạt động tụ tập đông người và những hoạt động chưa phải thiết yếu là những biện pháp rất tích cực.
Về Chỉ thị mới của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, VPCP đã hoàn thiện thông báo kết luận của Thủ tướng, giao VPCP và Bộ Y tế xây dựng chỉ thị mới trong điều kiện tình hình mới.
"Chúng ta đặt vấn đề tái bùng phát cũng không phải. Việc công bố con virus đã có biến thể cũng phải cân nhắc kỹ, chúng ta chưa công bố như vậy. Nếu công bố khi chưa có đầy đủ cơ sở sẽ gây ra lo ngại trong dân", Chủ nhiệm VPCP lưu ý.
Bộ trưởng cho biết, VPCP và Bộ Y tế sẽ sớm soạn thảo chỉ chị mới của Thủ tướng trên tinh thần sẽ đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất, kịp thời để chủ động ứng phó và dập tắt dịch.
Sẵn sàng cách ly tại nhà khi có lệnh của Ban chỉ đạo
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cũng nhắc lại ý kiến của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm lây nhiễm trong vòng 1 tháng và đã diễn ra từ 2 - 2,5 chu kỳ. Vì vậy phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất.
"Tức là yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà và hàng tuần cử 1 người đại diện gia đình ra ngoài mua đồ ăn, tiếp tới người đó không được đi ra ngoài nữa mà cử người khác mang đến. Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh mới", ông Cường nói.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường |
Về việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Cường cho biết, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn và "đồng chí có nói sẽ ở đến khi nào hết dịch thì thôi".
Trong đoàn có đội điều trị, đội dập dịch cũng rất nhiều kinh nghiệm, trong đó có các bác sỹ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai, ngay Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng.
"Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt phòng chống dịch đợt 1 đều được đưa vào chiến dịch này", Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Cường cũng đính chính lại thông tin một trường hợp nhiễm dịch không phải ở Hà Nam mà quê ở Hà Nam.
"Hiện chúng tôi huy động hơn 1.000 người gồm sinh viên trường y, quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Đà Nẵng với tinh thần hết sức quyết liệt. Hiện tình hình đang trong tầm kiểm soát tốt, truy vết rất quyết liệt để dịch không lây lan trên diện rộng", ông Cường khẳng định và kỳ vọng sớm tháo gỡ tình hình này.
Về câu hỏi liên quan đến Chủ tịch TP Đà Nẵng hướng tới cách ly tại nhà, ông Cường cho biết, hiện khu cách ly tập trung tương đối đông, một số khu quá tải.
"Phương án cách ly tại nhà đã sẵn sàng. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án này từ lâu và có thể thực hiện ngay khi có lệnh của Ban chỉ đạo", Thứ trưởng Y tế nói.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Thu Hằng - Hồng Nhì
Thủ tướng: Dịch Covid-19 cơ bản trong tầm kiểm soát, hạn chế giãn cách tràn lan
Theo Thủ tướng, chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch Covid-19 nên tình hình cơ bản trong tầm kiểm soát.