Vỡ mộng về các dự án đầu tư ra nước ngoài, nhiều đại gia Việt đang dồn tiền tỷ vào các dự án và doanh nghiệp hoạt động ngay tại Việt Nam để khai thác thị trường nội địa - vốn đang bị xâu xé bởi các tập đoàn lớn nước ngoài.
Vỡ mộng đầu tư ra nước ngoài
Sau gần một thập kỷ tìm hiểu, triển khai đầu tư kinh doanh tại Mỹ (năm 2009), CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) vừa công bố quyết định chính thức giải thể.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Nhà Thủ Đức đã có nghị quyết HĐQT về việc ngưng đầu tư, thanh lý và giải thể Công ty Thuduc House Property Ventures LLC và sẽ chuyển toàn bộ vốn về nước.
Đây là công ty liên doanh với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD trong thời gian hoạt động 20 năm. Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo của TDH cho biết đã bán toàn bộ dự án cũng như công ty liên doanh tại Mỹ để mang vốn về nước.
Bóng đèn Điện Quang (DQC) cũng vướng vào 2 dự án đầu tư ra nước ngoài mà cho tới giờ vẫn chưa thấy được hiệu quả. Sau cú sốc khoản đầu tư của DQC sang Cuba (khiến cổ phiếu giảm tới cả chục lần do đối tác trả chậm trong 10 năm), Điện Quang sau đó đã xúc tiến Dự án đầu tư sang Venezuela với tổng đầu tư lên đến 300 triệu USD.
Theo DQC, Liên doanh sản xuất 74 triệu bóng đèn/năm tại KCN Paraguana, bang Falcon (Venezuela) đi vào hoạt động năm 2012 nhưng tới nay, trong các báo cáo tài chính của Điện Quang thường xuyên thiếu vắng hoặc chỉ nhắc tới rất ít những thông tin về hiệu quả của dự án này.
Năm 2014, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PetroVietnam (PVN) đã quyết định dừng Liên doanh Dự án dầu nặng PetroMacareo tại Venezuela. Theo PVN, quyết định dừng dự án 1,8 tỷ USD (25 năm) là do môi trường đầu tư của Venezuela biến động và lạm phát cao tại nước này.
Dồn tiền vào thị trường nội địa
Vài năm trước, rất nhiều DN có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài như: FPT của ông Trương Gia Bình tại Nhật; Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ tại Đông Nam Á; Viettel trên phạm vi toàn cầu; Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức tại Lào, Myanmar; Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang vào thị trường Thái; Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vào Nga,...
Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt vẫn khá khiêm tốn, chưa thấy có DN nào công bố lãi lớn và mang lợi nhuận về nước một cách thành công.
Tham vọng đặt một chân vào thị trường Nga với kế hoạch mua lại 50% hệ thống phân phối của Russian Fish đã ngốn của Hùng Vương (HVG) hàng trăm tỷ đồng nhưng kết quả vẫn còn là ở phía trước. Sau những cú vung tay ngàn tỷ, đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh đã phải bán tài sản. Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Dương Ngọc Minh rớt dài, ra khỏi top 50 và oằn mình với gánh nặng nợ nần.
HAGL của Bầu Đức đầu tư hàng trăm triệu USD cho Dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Center tại mảnh đất đắc địa của thành phố Yangon, Myanmar cũng gặp khó trong việc chốt lời do phí thuế chuyển nhượng cao. Gần đây, HAGL đã bán toàn bộ mảng mía đường hàng chục ngàn hecta tại Lào cho Thành Thành Công của nhà ông Đặng Văn Thành.
Trong báo cáo 2016, Viettel cho biết, tập đoàn gặp khó khăn kinh doanh ở một số thị trường nước ngoài do chính trị bất ổn, chênh lệch tỷ giá USD biến động rất phức tạp.
Tập đoàn Hoa Sen gần đây không còn nhắc nhiều tới các dự án đầu tư ra nước ngoài như Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines... Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng không còn nói nhiều tới hướng ra quốc tế, Lào, Myanmar và Mỹ như trong ĐHCĐ cách đây vài năm, mà thay vào đó là đẩy mạnh đầu tư trong nước.
Nhiều đại gia Việt gần đây cũng đang đẩy mạnh đổ tiền vào các dự án trong nước như ông lớn Tài chính cổ phần Điện Lực (EVN Finance) bỏ tiền trở thành cổ đông lớn tại CTCP Seoul Metal Việt Nam (SMV), DN 100% vốn đầu tư thuộc Tập đoàn Seoul Metal Tech (Hàn Quốc), chuyên sản xuất đinh, ốc vít dùng cho điện thoại di động, máy in, sản phẩm gia dụng, ôtô và xe máy.
Hiện rất nhiều các tập đoàn nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức. Số lượng DN FDI tiếp tục tăng vọt trong thời gian qua, với khoảng 12,5 tỷ USD được giải ngân trong gần 9 tháng. Riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo các NĐT nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam hơn 183 tỷ USD.
Vốn ngoại trên TTCK cũng tăng vọt, hiện đạt khoảng 27,3 tỷ USD, trong tổng vốn hóa khoảng 120 tỷ USD. Một số CTCK cũng đã chi hàng chục triệu USD thâu tóm các CTCK Việt để tạo nhịp cầu kết nối các nhà đầu tư Hàn Quốc tới với TTCK Việt Nam.
Hàng loạt đại gia Việt đã nhận thấy tiềm năng của thị trường trong nước và đang đẩy mạnh đổ tiền tỷ vào các DN hoạt động ngay tại Việt Nam để khai thác thị trường nội địa vốn đang được xâu xé bởi các tập đoàn lớn nước ngoài.
Rất nhiều các đại gia Việt đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ một thị trường gần 100 triệu dân, có tiềm năng phát triển rất mạnh. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, cổ phiếu Phú Quý (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung, cổ phiếu Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng,... đều là những ông lớn đang khai thác rất tốt thị trường nội địa và ghi nhận mức giá cổ phiếu cao kỷ lục mọi thời đại.
Thay vì bỏ ra nước ngoài đầu tư, nhiều DN Việt đang tập trung vào thị trường trong nước. Tình hình được dự báo sẽ còn tốt đẹp hơn nếu các thủ tục đầu tư được cải thiện, nhanh gọn như ở Singapore, những rào cản thanh kiểm tra làm còi cọc DN được dỡ bỏ.
H. Tú