Đất nước phát triển là một đất nước có một thương hiệu tốt, điều này đòi hỏi sự cố gắng của tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Việc liệt kê ra những thói hư tật xấu của người Việt là một bài toán đố, một câu hỏi không dễ trả lời. 

Xây đã khó, giữ còn khó hơn

Những câu chuyện trên truyền thông về lối sống tử tế, về chuyện hành xử hay - dở của người Việt là những tín hiệu báo động.

Trước đó, dư luận đã bội thực với những bản tin về chuyện người Việt ăn cắp đồ ở nước ngoài, ở Thái Lan, Nhật Bản… Buồn là vì thế, xây dựng thương hiệu Việt không dễ, giữ cho được thương hiệu Việt lại càng khó, nhưng với những bản tin “dày đặc” kiểu này, có vẻ như người Việt đã vô tình “phá” nhiều hơn là tìm cách “xây” cái điều thiêng liêng, quý giá ấy.

Mới đây, theo báo chí trong nước, có một sự việc xảy ra còn đáng xấu hổ hơn. Một công nhân có hành vi cho thuốc diệt chuột, phân người, dao mổ cá, ốc vít… vào hàng xuất khẩu sang Nhật và đã bị công an bắt giữ sau hai tháng lẩn trốn.

Tại cơ quan điều tra, người công nhân có hành vi tiêu cực, phá hoại kia khai nhận do phải làm việc từ 13 đến 14 tiếng mỗi ngày, lại không được nghỉ hai ngày chủ nhật trong tháng nên nảy sinh ý định “thù vặt, bẩn tính” như trên để khiến cho công ty mất uy tín, dẫn đến ít việc và anh ta sẽ được nghỉ việc theo cam kết.

{keywords}

Sự thật thế nào sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, nhưng lời khai trên vẫn chỉ là ngụy biện. Người công nhân kia đã không ý thức được hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng của mình đến mức nào, phá hoại thương hiệu của công ty nuôi sống mình, phá hoại công ăn việc làm của những công nhân đồng nghiệp. Và nếu không may dẫn đến sự cố gây chết người, thì một bản án “nghiêm khắc, đích đáng” phía trước dành cho anh ta là điều không thể tránh khỏi…

Đáng buồn, đáng trăn trở hơn là hình ảnh người lao động lại thêm một “vết ố” khó mà “giặt” cho phai.

Trách nhiệm các cơ sở sản xuất

Báo Nhật Bản đưa tin, thực phẩm nhiễm bẩn của công ty thực phẩm nói trên đã được phân phối ra ít nhất 12 trong số 47 tỉnh tại Nhật Bản, bao gồm cả Tokyo, Aichi, Kyoto và Osaka. Còn theo công ty, việc làm của người công nhân trên đã làm đình trệ toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín của doanh nghiệp.

Như vậy, thật khó có lý do nào ngụy biện cho sự việc nói trên được nữa. Đồng ý rằng trong thực tế ở Việt Nam, các công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, nhiều nơi có tiền lương ít ỏi, ăn uống kham khổ, vệ sinh đi lại khó khăn và giờ làm tăng ca nặng nhọc khắc nghiệt. Nhưng không thể vì thế mà có quyền có hành vi “trả thù” hạ cấp, trái pháp luật  như vậy.

Công bằng, nói đi cũng phải nói lại, từ sự việc này, các tổ chức công đoàn ở cơ sở, ở khu công nghiệp, khu chế xuất… cũng cần phải thấy được trách nhiệm của mình trước những bức xúc của công nhân, và có khi nào tự hỏi rằng tổ chức của mình đã tạo được niềm tin, cho dựa vững chắc cho người lao động hay chưa?

Bộ Lao động vừa cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 1,84%, một con số đẹp… như mơ. Nhưng nếu ai đó “lạc quan” tin vào con số đẹp như mơ ấy cũng nên dè chừng, với “ý thức lao động” kém như kiểu anh công nhân Trần Xuân Trình, thì nguy cơ thất nghiệp dài dài là điều không thể tránh khỏi. Có được việc làm đã khó, nhưng giữ được việc làm cho mình và cho mọi người lại còn khó hơn gấp nhiều lần.

Người công nhân vi phạm nói trên đã bị khởi tố vì tội “hủy hoại, làm hư hỏng tài sản”, đây là một tội danh hình sự và kết quả cuối cùng phụ thuộc vào sự phán xét của phiên tòa. Nhưng còn cái tội phá thương hiệu của một công ty, ảnh hưởng xấu thương hiệu của một quốc gia thì xử lý thế nào đây, bao giờ mới khắc phục nổi điều này? Phá thì luôn dễ hơn xây.

Một con sâu cũng đủ làm rầu nồi canh… là vậy!

  • Minh Phước