- Sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả nước Anh phải xa rời (Brexit) Liên minh châu Âu, chiến lược phát triển nền điện năng quốc gia của Vương quốc Anh UK vẫn được được ưu tiên phát triển. Và trọng điểm của chiến lược này là dự án Hinkley Point C với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với các lò phản ứng lớn nhất thế giới hiện nay.

{keywords}

Bức tranh của một họa sĩ hình dung Nhà máy điện hạt nhân mới Hinkley Point C sẽ xây dựng. Ảnh theo PA.

Một vị cố vấn của Tập đoàn Năng lượng nhà nước Pháp EDF cũng vừa có nhận định như trên, mở đường cho một quyết định bắt tay đầu tư vào dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C. Ngoài ra, Tập đoàn nhà nước Pháp này cũng cho rằng, dù cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh với đa số tán thành chia tay Liên minh châu Âu cũng không phải là rào cản đối với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn nhất ở địa điểm Somerset, vùng tây nam Anh quốc.

Trọng tâm của dự án này là: Tập đoàn EDF của Pháp sẽ được mời ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân kép với 2 lò phản ứng lớn nhất. Đây là loại lò phản ứng EPR thế hệ mới nhất của Pháp với công suất 1.650 MWe cho mỗi lò. Loại lò “khủng” này hiện chỉ được lắp đặt cho nhà máy điện hạt nhân ở Flamanville (nước Pháp), Olkiluoto (Phần Lan), và Quảng Đông (Trung Quốc).

Nhà máy ở Anh sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2025 và cung cấp 7% điện năng cho nước này.

Dĩ nhiên EDF không ngần ngại, vì ngay từ ngày 24/6/2016, đúng hôm công bố kết quả “Brexit” của cuộc trưng cầu dân ý, vị Giám đốc điều hành của Tập đoàn EDF, ông Jean-Bernard Levy cũng đã có ý kiến rằng quyết định của UK rời khỏi EU sẽ không có tác động đến chiến lược của Tập đoàn năng lượng EDF xây dựng nhà máy loại Hinkley Point C và cũng là nhà máy điện hạt nhân duy nhất được xây dựng ở Anh trong khoảng 20 năm nay.

Ngoài sự tham gia chính của Tập đoàn EDF của Pháp, từ Trung quốc xa xôi còn có Tổng Công ty Hạt nhân CGN góp cổ phần 33,5% trong dự án xây dựng nhà máy Hinkley Point C. Hai nhà đầu tư Pháp và Trung quốc này còn có kế hoạch tham gia phát triển các dự án xây dựng nhà máy mới khác tại Sizewell thuộc Suffolk và Bradwell thuộc Essex, trong đó công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc sẽ được sử dụng.

Theo thông tin từ BBC, chi phí xây dựng dự kiến cho nhà máy điện hạt nhân lớn Hinkley Point C là 18 tỉ bảng Anh (tương đương 26 tỉ đô-la). Trong đó, CGN tham gia đầu tư với 6 tỉ bảng. BBC cũng nhận định: Giá trị vốn tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point của Trung Quốc là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Anh từ trước tới nay.

Bộ tài chính Anh còn tiên đoán trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Anh. Và trong tương lai, EDF có thể sẽ bán đi 15% cổ phần trong dự án, nhưng vẫn sẽ là một trong những cổ đông lớn nhất.

Như vậy, sau nhà máy Hinkley Point, các tập đoàn EDF và CGN khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân nữa là Sizewell ở Suffolk và Bradwell ở Essex. Đặc biệt nhà máy Bradwell ở Essex dự định sử dụng lò phản ứng do CGN thiết kế và đầu tư 2/3 chi phí.

Chính phủ Anh khẳng định nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point sẽ tạo công ăn việc làm cho 25.000 nhân công và điện hạt nhân sẽ cung cấp cho 6 triệu hộ gia đình (7% dân số Anh) trong 60 năm.

Hiệp hội Công nghiệp Hạt nhân Anh quốc (NIA) cũng có phản ứng thuận lợi. Vị giám đốc điều hành NIA, ông Tom Greatrex nói: "Đây là một dự án quan trọng đối với ngành công nghiệp, đồng thời cung cấp hàng ngàn công ăn việc làm có tay nghề cao trong quá trình xây dựng, lắp ráp và vận hành nhà máy”. Và nó “đồng thời chứng minh cho tầm quan trọng của điện hạt nhân ở Anh quốc trong nhiệm vụ bảo đảm cân bằng điện năng, giảm đáng kể sự phat thải khí nhà kính CO2 tác hại đến sức khỏe con người, góp phần bảo đảm an toàn năng lượng cho tương lai đất nước."

  • Trần Minh