Đi chợ đầu mối, nhưng phải đúng thời điểm mới có giá rẻ. Vào đầu chợ sáng 4-5h và 10h30-11h trưa là hai thời điểm giá thực phẩm rẻ nhất.
Nguyễn Hoài Thương trọ với 3 người bạn cùng quê ở Nghệ An chia sẻ, bữa cơm hiện tại của cả phòng chỉ vẻn vẹn 20.000 đồng. Thương cho biết, rau cỏ thực phẩm tăng giá, ga đắt, có chiếc xe máy cả phòng đổi ca để đi làm thêm thì xăng càng lúc càng "khét", khiến chi tiêu của Thương và bạn cùng phòng càng ngày eo hẹp. Cả phòng phải bàn nhau cách đi chợ tiết kiệm nhất có thể.
Theo Thương, bữa cơm 4 người ăn một ngày chỉ dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng, vị chi mỗi suất ăn 5.000-8.000 đồng/ngày. Để có bữa ăn với giá "sinh viên" như vậy, 4 người trong phòng phải phân công nhau đi chợ lúc 5h30 sáng. "Do phòng trọ cũng không xa chợ Dịch Vọng nên mọi người đi xe đạp cho tiết kiệm xăng", Thương cho biết.
Bữa cơm sinh viên có cá tươi được coi là sang chảnh. |
Kinh nghiệm của Thương và các bạn cùng phòng, đi chợ đầu mối phải đúng thời điểm mới có giá rẻ. Vào đầu chợ sáng 4-5h và 10h30-11h trưa là 2 thời điểm giá thực phẩm rẻ nhất. "Sáng sớm chủ yếu là hàng bán buôn nên giá rẻ. Buổi trưa hàng tồn "bán tháo" nên giá chỉ bằng 1/2, 1/3 giá lúc đầu", Thương nói.
Không chỉ những bạn nữ mà nhiều nam sinh viên cũng bày cách đi chợ khoa học và tiết kiệm. Nguyễn Bá Chương, sinh viên ĐH Nông Nghiệp cho biết, mỗi tháng bố mẹ gửi cho 1,5 triệu đồng thì mất 550.00 đồng tiền nhà trọ, nên ăn uống, bạn bè, chi phí sinh hoạt chỉ còn chưa đầy 1 triệu.
Với Chương, chỉ cần chịu khó, cần cù một chút là có bữa ăn tươm tất. "Nếu đi chợ mua đồ bán buôn thì giá rẻ hơn gấp nhiều lần, mà chi phí mỗi bữa ăn của 3 đứa tính ra chỉ dao động 15.000-20.000 đồng", Chương nói. Chương cho biết, các chợ cóc hay hàng bán lẻ giá thực phẩm đắt 3-4 lần giá ngoài chợ lớn.
Đơn cử, một mớ rau muống tại chợ đầu mối có giá 1.000 -2.000 đồng, nhưng tại hàng bán lẻ có giá 3.000 -5.000 đồng. Hoặc cà chua ngoài chợ có giá 20.000 đồng/cân, mỗi cân 13-15 quả.
Nhưng mua ngoài chợ lẻ đến 3.000 đồng/quả nhỏ, tính theo cân thì lên đến 40.000-50.00 đồng/kg. "Mình thường đi chợ Nhổn vào buổi sáng. Mùa đông thì 2-3 ngày đi chợ 1 lần, mùa hè bữa nào đi chợ bữa ấy nên tốn kém hơn", Chương nói. Tuy nhiên, theo Chương, phải đi chợ lúc sáng sớm mới mua được đồ tươi và ngon hơn. Chợ Nhổn bán buôn nên rẻ hơn được 3-4 giá bên ngoài. "Thực đơn" cũng được các bạn trong phòng thay đổi theo ngày.
Thịt, cá khô, đậu, lạc, trứng là những món phổ biến trong mâm cơm. Cứ xoay vòng thay đổi các món luộc, xào, chiên, rang, hạn chế món hầm, kho đỡ tốn ga. Nguyễn Thị Phương, sinh viên trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ, bữa ăn gần đây đạm bạc hơn trước nhiều. Đầu năm bữa cơm 4 người phòng Phương khá đầy đủ: thịt, đậu, trứng, nhưng dần chỉ còn 1-2 món. Phương làm nhân viên phục vụ một nhà hàng ở Kim Mã, phải đi xe máy 5 cây số, lương không được tăng mà chi phí xăng đi lại đắt hơn trước.
Do đó, cả phòng bàn nhau thay đổi cách chi tiêu. Có 4 chị em trong phòng nhưng thường đi chợ 1 lần cho nửa tuần ăn. Mâm cơm được tính cả giá thực phẩm, giá ga, xăng tổng hết là 20.000 đồng. Món rau thường 1.000 -2.000 đồng/mớ, 2 món phụ 15.000 đồng, còn lại là tiền xăng, ga.
Xăng tăng giá, ga đắt, thực phẩm cũng đà tăng khiến sinh viên, người lao động nghèo khốn đốn. |
Ngoài bí quyết đi chợ rẻ, Phương cũng thường xuyên lấy thực phẩm từ quê lên dự trữ. Những thực phẩm để được lâu: gạo, xu xu, mướp, khoai tây... hoặc lọ muối lạc, muối vừng ăn sáng hoặc ăn kèm bữa chính được các bạn tận dụng từ quê.
Không chỉ với sinh viên, những người lao động nghèo như anh Trần Văn Tình (Hoằng Hóa, Thanh Hoá) ra Hà Nội làm thuê cũng phải chi tiêu tằn tiện. Anh Tình làm xe ôm còn vợ anh vừa trông con vừa nhặn nhạnh bán đồng nát. "Cuộc sống khó khăn, chạy xe ôm ngày được dăm ba chục thì xăng tăng giá nên phải giảm chi tiêu gấp", anh nói.
"Thời gian trước mỗi ngày có thể kiếm được 100.000 đồng, nhưng giờ xăng tăng giá người ta ít đi xe ôm hơn, trừ chi phí đi lại thì ngày tôi chỉ được 50.000-70.000 đồng". Do đó, bữa cơm mỗi ngày của 2 vợ chồng và một đứa con 3 tuổi chỉ dám chi 20.000-25.000 đồng.
Theo anh, chị là người nấu ăn nhưng anh lại là người đi chợ. Anh cho biết, mỗi ngày đi chợ chỉ dám mang 30.000 đồng. Ra chợ cái gì cũng mua khó có thể chi tiêu đúng mức. Do đó, cứ lựa trong 30.000 -40.000 đồng, ngày hơn ngày kém. Bữa cơm vợ chồng anh Tình thường là đậu, trứng và một món rau. "Bữa nào có thịt hay cá tươi thì chỉ ăn một món", anh nói.
Cũng theo tính toán của anh Tình, anh thường chi cho các bữa chợ với đậu 2 miếng là 4.000 đồng, 2 mớ rau 2.000 đồng. Ngoài ra, số tiền còn lại có thể mua lạng thịt, cá về kho hoặc mua trứng về rán kèm là ăn được cả ngày.
Anh Tình thường đi chợ Nhổn vào 10h trưa hàng ngày. Anh cho biết, thời điểm ấy chợ tan nên nhiều người bán hàng ế, thực phẩm giá rẻ. Do không có tủ lạnh nên anh Tình thường đi chợ theo ngày. Mùa đông có thể 2 ngày đi chợ 1 lần.
Là người đàn ông nhưng anh Tình phải tính toán chi tiêu chi li cho gia đình. Hôm nay anh mua nhỉnh hơn thì hôm sau rút xuống cho cân bằng. "Thời buổi kinh tế khó khăn, nên phải lựa mà chi tiêu để trang trải cuộc sống", anh Tình nói.
(Theo Zing)