Tổng thống Mỹ Donald Trump thường đe dọa sẽ tấn công trừng phạt Syria. Nhưng nhiều người vẫn bị bất ngờ khi ông Trump đã làm thật điều đó vào hôm 14/4 vừa rồi.

Sáng 14/4 (giờ Syria, tức đêm 13/4 giờ Mỹ), hơn 100 quả tên lửa các loại đã được phóng dồn dập từ tàu chiến và các máy bay chiến đấu của liên quân Mỹ-Anh-Pháp vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Syria.

{keywords}
Hình ảnh tên lửa của phương Tây lao về thủ đô Damascus của Syria vào rạng sáng ngày 14/4. Ảnh: Quân đội Syria.

Phía Mỹ tuyên bố họ tấn công các cơ sở nghiên cứu hoặc tàng trữ vũ khí hóa học của Syria.

Ít phút sau khi ra lệnh khai hỏa, Tổng thống Mỹ Trump đã xuất hiện trên truyền hình, giải thích về lý do cuộc tập kích này. Khoảng nửa ngày sau đó ông cũng tuyên bố qua mạng xã hội Twitter rằng “Nhiệm vụ đã hoàn thành” – câu này cũng từng được Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố sau khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Iraq và lật đổ Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003.

Năm 2017, mục tiêu mà Mỹ tấn công là một sân bay quân sự. Và lần đó Mỹ hành động một mình, không có sự tham gia của Anh và Pháp như lần này.

Cuộc tập kích vừa qua đã khiến tình hình Syria nóng lên, Nga và Iran tức giận, cộng đồng quốc tế lo ngại về những diễn biến khó lường có thể nảy sinh. Một bộ phận dân chúng Syria cũng đã biểu tình phản đối Mỹ và thể hiện sự ủng hộ của mình dành cho Tổng thống Syria al-Assad và quân đội nước này.

Nghi án tấn công hóa học khó hiểu

Phía Mỹ-Anh-Pháp tuyên bố, chiến dịch quân sự chóng vánh vào ngày 14/4 là hành động đáp trả cái mà họ gọi là một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học do chính phủ Syria tiến hành nhằm vào dân thường ngày 7/4.

Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khẳng định một cuộc tấn công như thế đã thực sự xảy ra, nhất là bằng vũ khí hóa học. Và nếu xảy ra thì cũng chưa có bằng chứng để quy kết người thực thi là chế độ của Tổng thống Syria Assad. Các chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cũng mới chỉ đến Syria vào ngày 14/4 để khởi động việc điều tra về vụ việc.

Dù chưa có bằng chứng xác đáng, phương Tây, cụ thể là Mỹ, Anh, và Pháp đã một mực khẳng định chính quyền Syria là thủ phạm của nghi án tấn công hóa học này.

Trong khi đó, phía Nga và giới chức Syria khẳng định vụ tấn công là do phiến quân Syria và tình báo Mỹ dàn dựng.

Syria đã thực sự ngao ngán với cáo buộc của phương Tây. Syria cho rằng vũ khí hóa học đã trở thành mô típ quen thuộc mà phương Tây dùng để công kích và gây sức ép với họ.

Nghi án xảy ra vào đúng dịp kỷ niệm tròn một năm cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria đầu tháng 4/2017, và trong bối cảnh nhạy cảm: Phiến quân Syria đã thất thế hoàn toàn trên các chiến trường, nhất là điểm nóng Đông Ghouta. Theo logic thông thường, Syria không dại gì phải dùng vũ khí hóa học vào lúc này khi họ đang trên thế thắng áp đảo còn phương Tây chỉ tìm mọi cớ để can thiệp vào Syria.

Cuộc tấn công tên lửa lạ lùng

Hồi tháng 4/2017, ông Trump đã bí mật ra lệnh cho quân đội Mỹ từ Địa Trung Hải nã tên lửa vào sân bay Syria để đáp trả một cáo buộc tấn công hóa học vào năm đó ở Syria. Nhưng lần 2, ông đã công khai ý định tấn công Syria ngay trước cuộc tấn công. Tức là yếu tố bất ngờ - rất quan trọng trong tác chiến quân sự, ít nhiều đều không còn giữ được 100%.

Không những vậy, ông Trump lại ra lệnh tấn công Syria khi trước đó một thời gian, chính ông khoe rằng sẽ rút hết quân khỏi Syria và để Syria cho “những người khác” lo.

Ở cấp chiến thuật, cuộc tập kích vào ngày 14/4 diễn ra ngay trước lúc đoàn chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tới Syria để điều tra về cáo buộc tấn công hóa học. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra ở đây. Liệu Mỹ đang có ý định xóa dấu vết về nghi án tấn công hóa học đó? Hay Mỹ muốn tạo việc đã rồi trước khi OPCW đưa ra kết luận cuối cùng?

Một điều nữa, tuy chưa phải quá bất ngờ, nhưng cũng gây băn khoăn lớn cho dư luận quốc tế, là dù chưa có bằng chứng rõ ràng khẳng định Syria tấn công hóa học, Mỹ vẫn tự ý và mạnh bạo tiến hành nã tên lửa vào một quốc gia có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp Quốc, bất chấp các thông lệ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Điều ngạc nhiên khác là con số tên lửa bị bắn hạ trong vụ tập kích 14/4. Nga thông báo rằng lực lượng phòng không Syria dùng hệ thống vũ khí cũ vẫn bắn chặn được tới 71 trong số 105 quả tên lửa mà liên quân do Mỹ đứng đầu phóng đi. Mỹ thì lại khẳng định là tất cả đều đánh trúng mục tiêu.

Đành rằng trong các cuộc chiến tranh, sự khác biệt về thống kê giữa đôi bên là khó tránh được, nhưng sự chênh lệch như trên là quá lớn. Một lần nữa lại có cuộc chiến tuyên truyền giữa đôi bên.

Đặc biệt, Mỹ và đồng minh Anh, Pháp đã tấn công một cách vô cùng “gọn gàng”. Phóng nhiều tên lửa gấp đôi so với cuộc tiến công năm 2017, vào nhiều mục tiêu hơn, lực lượng liên quân này không gây thiệt hại về sinh mạng con người cho cả Nga và Syria, như thể họ đã tính toán rất kỹ để tình hình không vượt tầm kiểm soát sau tập kích.

Một lần nữa hệ thống phòng không dưới quyền quản lý trực tiếp của quân nhân Nga tại Syria vẫn chưa phải ra tay can thiệp. Nga đã kịp thời sơ tán tàu chiến của họ ra khỏi cảng Tartus ở Syria trước khi tập kích tên lửa diễn ra.

Phải chăng đó là nhờ đã có một thỏa thuận ngầm từ trước đó giữa Nga và Mỹ, dù Nga tuyên bố rằng lần này, Mỹ đã không hề thông báo cho Nga về cuộc tấn công vào ngày 14/4/2018, khác biệt với vụ tấn công vào tháng 4/2017 (mà trong đó Mỹ đã cẩn thận thông báo trước cho Nga về đợt tấn công sân bay Syria)?

Bức tranh tổng thể

Trước khi xảy ra vụ tấn công tên lửa 14/4 và nghi án tấn công hóa học 7/4, có một sự kiện đáng lưu ý là vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal vào ngày 4/3, kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ giữa Nga và phương Tây.

Nghi án tấn công hóa học và vụ đầu độc chỉ cách nhau một tháng. Sau vụ đầu độc 4/3, Anh và EU đã mở một chiến dịch tuyên truyền và ngoại giao tổng lực chống lại Nga, dù chưa chứng minh được Nga tiến hành vụ đầu độc này.

Trong vụ Skripal, có thể Anh đã tích trữ sự giận dữ từ vụ ám sát cựu điệp viên Nga Litvinenko ở thủ đô London vào năm 2006. Ông Litvinenko còn là một nhà bất đồng chính kiến và ông đã chết do bị đầu độc bằng chất độc phóng xạ pha vào tách trà ông uống.

Tuy nhiên, Skripal khác với Litvinenko. Skripal hoạt động gián điệp 2 mang đơn thuần vì lợi ích kinh tế. Và khi Skripal được Nga phóng thích trong cuộc trao đổi điệp viên giữ Nga và Mỹ vào năm 2010, ông ta cơ bản đã hết giá trị về mặt tình báo.

Hơn nữa, thời điểm Skripal bị đầu độc cũng là thời điểm rất nhạy cảm với Nga – nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống. Giới chức Nga khi ấy chắc chắn nỗ lực tránh mọi động thái làm phương hại cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra vào ngày 18/3.

Tổng thống Trump muốn rút lui khỏi Syria?

Vào thời điểm trước sự kiện 7/4, Tổng thống Trump đã tuyên bố hùng hồn rằng ông sẽ rút quân khỏi Syria. Thế nhưng các quan chức khác của Mỹ khi ấy lại tỏ ra dè dặt với tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng.

Và cũng chỉ thời gian ngắn sau đó xảy ra cáo buộc “tấn công hóa học ghê rợn” ở Douma, Đông Ghouta, nơi đa phần phiến quân chấp nhận di tản sang khu vực khác. Và rồi chỉ 1 tuần sau đó, Mỹ vội vã cùng đồng minh nã tên lửa vào Syria một cách chóng vánh.

Thực tế này đặt ra câu hỏi: Liệu có một thế lực ngầm nào đó trong chính giới, giới quân sự Mỹ cũng như các tập đoàn vũ khí của Mỹ đã thúc ép Tổng thống Trump phải làm vậy? Và có thể cuộc tấn công tên lửa chính là chiêu để ông Trump tránh sức ép nội bộ và rút khỏi cuộc chiến Syria, tập trung cho mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của mình?

Thực sự thì Tổng thống Mỹ tuy tập trung quyền lực nhưng không quyết định được tất cả - ông vẫn phải đáp ứng yêu cầu của cả hệ thống chính trị Mỹ và chế độ lưỡng đảng tại đây.

Nhớ lại tháng 12/1972, Mỹ ném bom ồ ạt Hà Nội có thể vì nhằm xoay chuyển cục diện Chiến tranh Việt Nam bằng đợt tập kích chiến lược tàn bạo. Nhưng cũng có một khả năng là chính quyền Mỹ đơn giản muốn thể hiện cam kết với “đồng minh Việt Nam Cộng hòa” và vớt vát thể diện của một nước lớn trước khi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tất cả mới chỉ là khả năng, đòi hỏi chúng ta tiếp tục quan sát chặt chẽ tình hình chính trường Mỹ trong thời gian tới.

Dù rất kiềm chế về nhiều mặt nhưng về mặt pháp lý cuộc tấn công 14/4 vẫn gây tức giận cho Syria, Iran và Nga. Khả năng Mỹ bị lôi kéo mạnh trở lại chiến trường Syria do đó là điều khó lường.

Theo VOV