Pác Nặm (Bắc Kạn) là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn. Có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên đến Pác Nặm, nhất là vào dịp các phiên chợ sẽ thấy được một bức tranh đa sắc màu vô cùng rực rỡ, từ những bộ váy áo thổ cẩm của phụ nữ các dân tộc Sán Chỉ, Mông, Tày, Nùng, Dao..., những hoạt động mua bán mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người vùng cao.
Tại đây, không khó để tìm thấy sạp hàng bày bán các trang phục được làm thủ công của người phụ nữ dân tộc Mông, những tấm vải dệt của người Sán Chỉ, những dụng cụ lao động hằng ngày được rèn đúc từ những gia đình người Mông… Đây đều là những sản phẩm được làm từ nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện như: Nghề xe lanh, dệt vải thủ công của đồng bào Sán Chỉ; nghề rèn của người Mông…
Gìn giữ được những nét bản sắc này là do những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Pác Nặm luôn quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Huyện luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình và xem đó như trách nhiệm của mỗi công dân sinh sống tại địa phương.
Cùng với đó, Pác Nặm còn thường xuyên duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan; khảo sát điều tra, sưu tầm, phục dựng giá trị văn hóa ở các địa phương trên địa bàn huyện; lưu giữ, khôi phục lại một số trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, làn điệu dân ca địa phương, hoạt động tín ngưỡng như hát lượn cọi, hát then của người Tày, tung còn, ném pao, múa khèn của người Mông, lễ cấp sắc của người Dao…
Đến nay, Pác Nặm đã thành lập được 08 câu lạc bộ hát then đàn tính, 01 câu lạc bộ múa khèn Mông. Đặc biệt, cuối năm 2019, Lượn cọi của người Tày Pác Nặm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào, khẳng định những giá trị và đóng góp của địa phương trong việc gìn giữ và phát triển đối với nền văn hóa của quốc gia, dân tộc. Pác Nặm cũng đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ di sản Hát Páo dung của dân tộc Dao và đề xuất nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ di sản Nghệ thuật múa khèn Mông đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hàng năm, huyện đều chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội xuân, nhất là lễ hội Mù Là tại xã Cổ Linh được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Việc khôi phục và duy trì tốt lễ hội Mù Là của huyện Pác Nặm ba năm trở lại đây thực sự đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương. Trong lễ hội, nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông đã được tổ chức như: Nấu mèn mén, hát đối đáp, ném pao, múa khèn,… thu hút hàng nghìn đồng bào, nhất là người Mông đến từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang tham gia.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục tập quán cùng lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một; lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng ít, đặc biệt, công tác phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Pác Nặm gần như chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có về thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc…
Văn Hùng, Tuấn Kiệt, Trần Tuấn Anh