Trong 8 mục tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Mục tiêu 2 hướng đến Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi: duy trì tỉ lệ tăng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.
Với tổng số 74.359 người, các dân tộc thiểu số rất ít người chiếm 0,08% dân số toàn quốc, 0,55% so với DTTS. Nhóm dân tộc yếu thế này cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước, tập trung ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng núi cao, biên giới: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình… Đây là nhóm dân tộc luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người khi mà tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 – 4 lần so với các nhóm dân tộc khác.
Rào cản đối với sự phát triển KT-XH và sự phát triển bền vững vùng DTTS, gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc là những hạn chế về chất lượng dân số thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy các chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh thực trạng dân số của 16 DTTS rất ít người.
Đó là các chỉ số về tỷ suất chết thô, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết mẹ ở nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người đều cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc. Tuổi thọ trung bình của dân tộc thiểu số rất ít người chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước, đồng thời số năm sống khỏe mạnh trong cuộc đời của người dân các dân tộc này cũng thấp so với các dân tộc khác. Tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) thấp so với các dân tộc khác: Chiều cao trung bình là 1m40-1m55, cân nặng trung bình từ 40-45kg; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân.
Đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người dân tộc thiểu số rất ít người. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người dưới 5 tuổi là 29,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao cho thấy vấn đề xuất phát từ tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014, tỷ lệ cân nặng trẻ sơ sinh thấp ở DTTS rất cao, với 8,1% ở những trẻ được cân ngay sau sinh và thêm 14,6% ở những trẻ không được cân nhưng bà mẹ cho rằng con mình bé hơn những trẻ trung bình khác. Trong khi đó, tỷ lệ cân nặng sơ sinh thấp toàn quốc được ghi nhận là 5,7%.
Tỷ lệ thiếu máu vẫn luôn cao ở vùng núi Phía Bắc và Tây Nguyên với 43% trẻ thiếu máu so với tỷ lệ chung toàn quốc là 27,8%. Tỷ lệ thiếu máu cao ở nhóm trẻ dưới 6 tháng cũng phản ánh dinh dưỡng kém ở bà mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng, i ốt, kẽm,… vẫn còn ở mức cao.
Dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi nhỏ.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá phổ biến, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26%. Một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như Ơ Đu 72,73%, Mông 59,6%, Rơ Măm và Brâu 50%... Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng khi người mẹ sinh con lần đầu dưới 18 tuổi có thể gây tình trạng đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu. Còn hôn nhân cận huyết thống gây bệnh tan máu bẩm sinh, chi phí điều trị vô cùng tốn kém và gây suy thoái giống nòi…
Tuổi thọ trung bình của các dân tộc thiểu số rất ít người cũng thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của cả nước (73,23 tuổi). So với kết quả chung của cả nước từ điều tra biến động dân số thời điểm 01/4/2015, tuổi thọ trung bình của DTTS thấp hơn 3,4 năm. Tuổi thọ trung bình của DTTS là 69,9 năm, trong đó, của nam là 67,1 năm và nữ là 72,9 năm. Tuy nhiên, một số dân tộc thiểu số rất ít người có tuổi thọ trung bình thấp như La Hủ (57,6 năm), Lự (59,3 năm), Mảng (60,2 năm), Si La (61,3 năm), Pà Thẻn (65 năm), Chứt (65 năm).
Bởi vậy, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó nêu rõ quan điểm: "Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người".
Nguyễn Đức Yên, Hữu Khôi, Bích Hạnh