Đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám vào giữa tháng 5, kết quả siêu âm khiến chị B.H (43 tuổi) bất ngờ, khi buồng tử cung chứa tổ chức đậm âm, kích thước khoảng 167x80mm, bên trong có nhiều hình trống âm nhỏ giống hình ảnh ruột bánh mì.
Đặc biệt, một phần của khối chửa trứng nằm ở vị trí sẹo mổ cũ. Chỉ số beta hcG tăng rất cao (bình thường chỉ số này trên 25 là có thai, dưới 5 là không có thai).
Bệnh nhân được chẩn đoán thai trứng nguy cơ cao. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để lại hai buồng trứng.
Cuộc phẫu thuật do Tiến sĩ Nguyễn Đức Phúc, Khoa Ung bướu Phụ khoa cùng ê-kíp thực hiện. Quá trình phẫu thuật ghi nhận khối chửa trứng đã xâm lấn các cơ quan xung quanh. Khối thai trứng khổng lồ, nặng tới 4kg, dài tới 20cm, được giải thoát, bệnh nhân tiếp tục điều trị hóa chất. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân ổn định.
Thai trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ gai rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng sẽ dẫn đến những hệ luỵ là khó lường, thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi.
Bác sĩ khuyên phụ nữ sau 40 tuổi nếu kinh nguyệt bất thường cần phải đến bệnh viện thăm khám, không nên nghĩ do mình tiền mãn kinh và tự theo dõi ở nhà.
Chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, những người có thai nhiều lần, bất thường ở dạ con, những người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, axit folic, vitamin A…
Các biểu hiện của mang thai trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung… Do đó, để chẩn đoán chính xác cần được khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như: siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp X-quang bụng.