Bệnh nhân là bà D.T.H (58 tuổi, ở Bắc Giang), được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh trưa 21/5 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, kích thích vật vã, thở yếu, tím môi và đầu chi, mạch đập nhanh, phía trước cổ có vết hằn tím như bị dây thắt. 

"Bệnh nhân vào viện rất nguy kịch. Nếu không được phát hiện sớm và đưa đến viện kịp thời, người bệnh có thể tử vong", bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, nói với VietNamNet, ngày 22/5.   

Tiếp nhận bệnh nhân, kíp trực cấp cứu đã nhanh chóng truyền dịch chống sốc, đặt nội khí quản, cho thở máy xâm nhập.

Người nhà cho biết gia đình mở nhà hàng, có thang máy vận chuyển thức ăn. Ngày 21/5, gia đình gọi thợ đến sửa thang máy trong lúc bà H. đi vắng. Trưa cùng ngày, bà về nhà, dọn dẹp ở tầng 3. Bà nghiêng người vào buồng thang máy, đúng lúc thợ sửa chữa ở tầng 4 vận hành khiến thiết bị rơi xuống trúng đầu, đè vào ngang cổ làm bà bất tỉnh.

Bác sĩ Sơn cho biết đơn vị từng cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn thang máy nhưng ca bệnh nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, phải thở máy như thế này là lần đầu tiên.

"Đây là tai nạn hiếm gặp trong đời sống nhưng vô cùng nguy hiểm, khả năng sống sót thấp", bác sĩ Sơn cho hay.

Rất may, người bệnh được phát hiện kịp thời, xử trí cấp cứu đúng cách nên đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Sơn cho biết bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở. Các thầy thuốc động viên bệnh nhân tiếp tục ở lại điều trị, theo dõi thêm. 

Bác sĩ cũng khuyến cáo nếu gặp phải các trường hợp suy hô hấp do tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng tìm cách giải cứu người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm. Cùng đó, hỗ trợ người bị nạn duy trì khả năng hô hấp bằng phương pháp hà hơi, thổi ngạt sau đó đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.