Với diện tích ngư trường lớn, bờ biển dài hàng trăm ki lô mét cùng 140 đảo lớn, nhỏ… đã tạo thành vùng biển rộng lớn có nhiều loài thủy sản có giá trị cao, là tiềm năng, thế mạnh để Kiên Giang phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản trên biển nhất là nuôi biển quanh các đảo.
Tỉnh Kiên Giang có vị trí trọng điểm đối với nghề cá của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đặc biệt, Kiên Giang còn có tiềm năng, lợi thế lớn về biển đảo với diện tích ngư trường hơn 63.000 km2, có tổng chiều dài bờ biển trên 200km, và có trên 140 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển mạnh về kinh tế biển.
Hơn nữa, vùng biển của Kiên Giang có nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế biển, đồng thời thuận lợi cho việc bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên biển nhất là nuôi cá lồng bè trên biển và quanh các đảo. Chính vì vậy, tỉnh xác định, kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Việc Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ giúp Kiên Giang khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển ngành thủy sản đa dạng, đưa Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/11/2023.
Theo đó, căn cứ vào phân vùng sử dụng không gian biển đối với vùng đất ven biển và các đảo, các quần đảo được quy định cụ thể tại quy hoạch không gian biển quốc gia, Kiên Giang định hướng phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; nuôi trồng khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá hiện đại phục vụ khai thác xa bờ với trung tâm hoạt động nghề cá.
Cụ thể, khu vực phía tây từ tây nam Cà Mau đến Kiên Giang phát triển cảng biển du lịch, cảng biển xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu bến cảng Phú Quốc - Rạch Giá - Hòn Chông, trong đó phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Đối với huyện đảo Kiên Hải sẽ xây dựng thành trung tâm kinh tế biển với những hoạt động nổi bật như dịch vụ du lịch biển, đảo cộng đồng; nuôi biển và chế biến thủy sản; xây dựng và nâng cấp các cảng cá kết hợp công tác hậu cầu, dịch vụ logistics dành cho nuôi biển.
Còn TP Phú Quốc sẽ xây dựng thành đô thị xanh, thông minh; trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái biển, đảo với nhiều giá trị khác biệt có chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế gắn với đặc thù là đảo tiền tiêu biên giới có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những năm qua, để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, Kiên Giang luôn xác định trọng tâm lấy phát triển kinh tế biển làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với lợi thế là ngư trường trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang đã dành nhiều sự quan tâm phát triển lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững. Tỉnh huy động được nhiều nguồn lực đầu tư đóng mới tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại để vươn khơi.
Kiên Giang tiếp tục phát triển nghề nuôi thủy hải sản trên biển, với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, nhất là mô hình nuôi xen kết hợp tôm - cua; tôm sú - tôm càng xanh; mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng An Minh, An Biên; mô hình ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc...
Bên cạnh phát triển ngành thuỷ sản, Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã huy động hơn 111.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển vùng biển, đảo. Giai đoạn 2016-2020 số vốn huy động tăng lên 140.000 tỷ đồng, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh.
Đến nay, nhiều dự án, công trình, khu đô thị biển, ven biển được đầu tư và đưa vào sử dụng, như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; mạng lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Kiên Hải; hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé; đặc biệt, kết cấu hạ tầng các đô thị biển như Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc đã được tăng cường đầu tư phát triển để tạo động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển...
Theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang sẽ hướng đến khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng tỉnh Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.
Theo đó, tỉnh sẽ khẩn trương tham mưu hoàn thiện, triển khai các quy hoạch liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, có tính liên kết trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.