Tỉnh Ninh Thuận có đường bờ biển dài trên 105km và có vùng biển rộng là lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất giống thủy sản và nuôi biển như cá biển và các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao.

Nắm bắt thế mạnh này, những năm gần đây, xu hướng nuôi biển xa bờ được nhiều doanh nghiệp quan tâm đã mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi biển của tỉnh.

Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2019, anh Nguyễn Bá Ngọc (Ninh Hải, Ninh Thuận) đã bắt tay nghiên cứu về nuôi mực sống như môi trường nước biển bằng cách thí điểm đầu tư lồng nuôi mực bán tự nhiên bằng công nghệ HDPE với diện tích 2.304 m2 tại vùng biển C3 ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải).

Để giữ mực được sống như môi trường nước biển, anh kêu gọi một số ngư dân hợp tác, tự thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển để lắp vào thuyền đánh cá cho ngư dân. Và mực sau khi được các ngư dân đánh bắt được sẽ đưa vào hộp thông thủy và vận chuyển về lồng để nuôi rồi cho giao phối đẻ trứng; khi mực đã đẻ trứng thì đem về trại ấp chờ nở ra con non. Sau khoảng từ  25 - 30 ngày tuổi, mực con sẽ được đưa trở lại biển nuôi thành mực thương phẩm. 

Cứ như vậy, sau 2 năm anh Ngọc đã thành công trong việc nuôi mực sinh sản nhân tạo trong môi trường nước biển. Theo đó, trung bình mỗi lồng cho sản lượng đạt 7 tấn mực, đem lại thu nhập từ 400-500 triệu đồng/vụ. 

“Hàng năm thị trường Việt Nam có thể tiêu thụ hàng nghìn tấn mực, nếu không tái tạo nguồn lợi hải sản thì nguồn lợi sẽ dần cạn kiệt. Trong khi đó, nuôi mực bán tự nhiên không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn có sẵn trong môi trường biển nên giảm đáng kể phí đầu tư”, anh Ngọc cho biết.

Sau thành công với mô hình nuôi mực bán tự nhiên trên biển, mới đây, tại xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải), doanh nghiệp của anh Ngọc đã cho hạ thủy lồng nuôi biển bằng vật liệu HDPE với đường kính rộng lên tới 100m, tương đương 100.000m3 nước với chi phí hơn 15 tỷ đồng, có thể thả nuôi 100.000 con mực giống; 5,5 triệu con ốc hương mỗi năm. 

Đây là lồng thứ 3 được công ty hạ thủy để nuôi mực, theo thiết kế lồng nuôi có thể chống chọi được sóng biển cấp 8, cấp 9. Căn cứ kết quả nuôi thí điểm, chỉ cần đạt tỷ lệ 50/50 thì sau 8 tháng sẽ thu khoảng 50 tấn mực và 55 tấn ốc hương. 

nuôi biển ninh thuận.jpg
Xu hướng nuôi biển xa bờ được nhiều doanh nghiệp quan tâm đã mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển, mô hình nuôi mực thương phẩm thân thiện với tự nhiên này sẽ nuôi được nhiều cá thể, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giải pháp vừa phát triển kinh tế vừa giảm áp lực cho khai thác, tăng nuôi lồng trên biển, cung cấp sản phẩm thuỷ sản sạch có nguồn gốc truy suất rõ ràng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình này cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy hải sản tỉnh Ninh Thuận.

Cũng mới đây tại Ninh Thuận, một doanh nghiệp cũng đã đề xuất thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản biển công nghệ cao tại khu vực biển C2, C3, C4 với quy mô diện tích 100ha mặt nước biển, công suất thiết kế 400 lồng tròn nuôi cá và 4.000 ô lồng vuông trồng rong biển, tổng mức đầu tư khoảng 230 tỷ đồng. 

Theo Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển toàn tỉnh đạt 575 ha, thể tích lồng nuôi 100.000 m3; sản lượng nuôi biển đạt 2.500 tấn; đối tượng nuôi là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, gồm cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong tảo biển.... 

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi biển đạt 1.395 ha, thể tích lồng nuôi 200.000 m3; sản lượng nuôi biển đạt 5.000 tấn; đối tượng nuôi hướng đến là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong tảo biển.... 

Và tầm nhìn đến năm 2045, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành nuôi biển của tỉnh trở thành bộ phận quan trọng trong lĩnh vực thủy sản, góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh hướng đến việc phát triển ngành nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến để nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, năng xuất sản lượng lớn góp phần gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đồng thời, phát triển nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, nuôi kết hợp đa đối tượng có giá trị kinh tế, xây dựng chuỗi giá trị cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm góp phần nâng cao giá trị gia tăng; phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt là phát triển nuôi biển phải hài hoà với hoạt động của các ngành kinh tế khác trên biển, kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện đã quy hoạch vùng nuôi thủy sản chuyên canh với diện tích 957,6 ha (vùng C1) và vùng phát triển điện gió kết hợp nuôi thủy sản với diện tích 1.295,63 ha ( vùng C2). 

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 222 bè nổi và khoảng 1.000 lồng chìm nuôi tôm hùm và có 800 lồng nuôi cá tại khu vực biển Bình Tiên, Mỹ Tân, Cà Ná, An Hải, vùng biển C1, C2.

Tại cuộc họp mới đây về tình hình, kế hoạch thực hiện quy hoạch nuôi biển và việc đầu tư thực hiện các dự án nuôi biển trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương, các sở, ngành có liên quan rà soát, lập bản đồ vị trí phân khu nuôi biển để sắp xếp vị trí theo quy mô hợp lý, đảm bảo việc phân luồng khu vực nuôi biển.