Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

LTS- Vừa qua, Bộ Công an công bố dự thảo thông tư (nếu được thông qua sẽ thay thế thông tư 46/2011) quy định việc phạm nhân gặp thân nhân, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân.

Trong đó, khoản 3 điều 5 dự thảo việc phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải cam kết không được có thai đã nảy sinh một số ý kiến khác nhau.

Tôn trọng tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Nguyệt Hữu. Mời quí vị độc giả cùng đọc và thảo luận thêm.

Theo đó, để được thăm gặp, thân nhân phải có giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân. Thân nhân phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp.

Đó là một phần nội dung trong Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an. Một điểm mà theo tôi thì vô cùng nhân văn, cần thiết trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Khoảng tám năm trước khi tôi đi công tác tại một số trại giam lớn trực thuộc Bộ Công an đã thấy có phòng hạnh phúc. Tuy nhiên, phòng hạnh phúc chỉ dành cho phạm nhân là nam giới. Một điều đáng tiếc là những cán bộ giám thị tại những trại giam có phòng hạnh phúc đều rất ngại tâm sự về điều này.

{keywords}
Ảnh: LĐO

Một lần trao đổi cùng cán bộ giám thị, tôi chứng kiến một phạm nhân vui mừng đến độ quên cả hướng vào phòng hạnh phúc khi được cho phép gặp vợ. Khoảng không riêng của những phạm nhân thường là điều không tưởng trong bất cứ tình huống nào. Nó như một phép màu có thật trong cuộc đời này.

Bây giờ, H.T trở lại với đời rồi nên câu chuyện có lẽ chỉ nên kể vắn tắt. H.T là con trai duy nhất trong gia đình trí thức xứ trà, vạn sự tốt đẹp đều nằm trong tầm tay khi anh còn trẻ, công danh lẫn sự nghiệp. Vậy mà, biến cố đã xảy ra.

Án dài dằng dặc, H.T vào tù cũng là lúc niềm hy vọng của cha mẹ tắt ngấm. May mà chuyện tình hoang đường như chiêm bao lại hiện hữu. Nhờ phòng hạnh phúc của trại giam, H.T có một người vợ, có đủ con trai lẫn gái. Dường như, bọn trẻ chính là động lực lớn nhất giúp H.T vượt qua những tháng ngày bị cách biệt với xã hội bên ngoài.

Khi đọc Dự thảo mới của Bộ Công an, tôi thật sự xúc động. Bởi tôi hiểu sự cô đơn cùng cực của những phạm nhân trong trại giam là như thế nào. Nhất là đối với phạm nhân nữ.

Gặp gỡ chồng cùng con một ngày, điều đó không chỉ đơn thuần là một cuộc thăm gặp, đó như là một điều ước được hình thành từ nỗ lực cải tạo của bản thân họ. Đó chính là tình người dành cho nhau trong bất cứ tình huống nào, hoàn cảnh nào, cá nhân nào. Ngoài ý nghĩa xem đó là một phần thưởng dành cho phạm nhân cải tạo lao động tốt.

Dự thảo ấy như thắp lên một hy vọng trong tư duy của phạm nhân, đó chính là ngọn lửa đượm lòng trong những chuỗi ngày làm lại cuộc đời mà họ đang trải qua. Dĩ nhiên, khốn khó ấy là cái giá mà họ phải trả cho lầm lỗi của bản thân.

Tuy nhiên, điều e ngại duy nhất của Dự thảo chính là vấn đề phạm nhân nữ có thể mang thai khi gặp chồng trong hoàn cảnh riêng tư. Tuy vậy tôi tin rằng những cán bộ giám sát phòng hạnh phúc sẽ có biện pháp để ngăn chặn tối đa nỗi lo này. Mặc dù, đòi hỏi một sự tuyệt đối là rất khó.

Nhưng dẫu sao, không nên vì một trở ngại mà lại bàn lùi một Thông tư đầy nhân văn, tiến bộ và văn minh như vậy.

Ngô Nguyệt Hữu