Theo khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, đến năm 2030 Việt Nam cần đầu tư gần 12.000 xe bus điện thân thiện môi trường. Bus điện cũng được coi là cứu cánh cho chất lượng không khí tại các đô thị vốn đang bị ô nhiễm nặng nề như Hà Nội.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, cứ mỗi dịp xung quanh Tết nguyên đán là bầu không khí tại TP Hà Nội liên tục trở thành “điểm nóng” ô nhiễm. Có những ngày chỉ số ô nhiễm không khí đã vươn lên đứng đầu thế giới, khi khói bụi “đặc quánh” che khuất tầm nhìn và các chỉ số độc hại luôn ở mức báo động đỏ.
Ví dụ ngày 8/12, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên thế giới IQAir đã xếp TP Hà Nội là địa phương có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới (AQI trung bình 200 đơn vị). Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao gấp 30 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó ngày 29/11, Hà Nội cũng bị IQAir xếp vào vị trí ô nhiễm thứ hai thế giới. Nguyên do ô nhiễm đã được chỉ ra, đến từ 3 nguồn: Khói bụi từ hoạt động sản xuất công nghiệp (từ các khu công nghiệp và các làng nghề); khói bụi từ phương tiện giao thông và khói bụi từ hoạt động xây dựng/ đốt rác hay cháy rừng…
Quay lại với riêng lí do khói bụi từ phương tiện giao thông, trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân nhằm thực hiện đa mục tiêu (giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng lối sống văn minh…) thì xe bus, metro được coi là xương sống của hệ thống vận tải công cộng. Trong đó, do các tuyến metro đang triển khai còn chậm thì việc thay thế hệ thống bus truyền thống sang bus điện được coi là phương án khả thi nếu cân đối được chi phí kinh doanh. Nói chữ “nếu” ở đây bởi, một số địa phương đang than khó trong việc bù lỗ cho bus điện, ví dụ TP.HCM.
Tạm gác mặt chi phí, chúng ta chỉ bàn sâu về vấn đề môi trường dễ thấy, theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT, tính đến tháng 12/2023 cả nước hiện có 854 tuyến bus với hơn 8.500 đầu xe (tính các đầu xe phục vụ nội thành/ nội tỉnh, không tính bus liên tuyến hoặc các loại hình kết hợp vận tải du lịch-NV). Được biết, báo cáo khảo sát này là một trong các nhiệm vụ thuộc Dự án bảo vệ môi trường “Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển phương tiện GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện” của Viện.
Nếu chiếu theo dự án này, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; trong đó đón đầu xu thế phát triển phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững ngành GTVT. Như vậy, ngoài việc nâng được số đầu xe bus tại các đô thị nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì việc chuyển đổi xe bus truyền thống sang bus điện sẽ là cả một lộ trình.
Với 854 tuyến với tổng chiều dài mạng lưới bus 32.344km. Trong đó bus nhỏ 2.027 xe (23,8%), bus trung bình 5.179 xe (60,9%), bus lớn 1.300 xe (15,3%). Đáng chú ý, số xe bus thân thiện môi trường chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 849 xe; trong đó bus sử dụng nhiên liệu sạch CNG 702 xe (82,7%), bus điện 148 xe (17,4%).
Quay lại với Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thí điểm thêm 9 tuyến bus điện cho năm 2024 tới đây. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 68 tuyến bus sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang bus điện. Còn theo lộ trình của Hà Nội, đến năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh phải đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe bus, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Như vậy dư địa cho bus điện còn rất lớn, cần chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư mà thôi.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, giá thành một chiếc xe bus điện có thể cao gấp 2 - 2,5 lần một xe bus chạy dầu. Với giá thành đó, mọi tiêu chí về khấu hao, định mức… hoạt động đều phải tính lại, vì trên thực tế mọi cơ chế đấu thầu, trợ giá, khấu hao tài sản… hiện hành chỉ xây dựng cho xe bus sử dụng xăng, dầu. Theo đó cũng cần phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp chuẩn bị chuyển đổi phương tiện sang xe bus nhiên liệu sạch, đảm bảo cân đối chi phí và tính khả thi.