Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một quả cà chua đỏ cỡ trung bình chứa 12,3mg canxi, 13,5mg magie, 29,5mg phốt pho và 292mg kali.
Nhiều loại thực phẩm mất đi một số giá trị dinh dưỡng khi nấu chín nhưng cà chua vẫn giữ được hoặc giảm rất ít vitamin và khoáng chất. Ví dụ, khi nấu chín, 292mg kali trong cà chua giảm còn 268mg.
Người bị viêm loét dạ dày
Dù cà chua cho sức khỏe, tăng thêm hương vị cho nhiều món ngon nhưng vẫn có một số người nên tránh ăn loại quả này, đặc biệt là bệnh nhân bị loét dạ dày.
Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ, khoảng 1% đến 6% người Mỹ bị loét dạ dày. Những người hút thuốc, lớn tuổi hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày có xu hướng dễ mắc bệnh này hơn. Loét dạ dày có thể đi kèm với các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn, dễ cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn, ợ hơi, ợ chua.
Một số loại thực phẩm có thể khiến vấn đề trên trở nên tồi tệ hơn, bao gồm cả cà chua.
Theo Medical News Today, sự tích tụ axit trong đường tiêu hóa được cho là góp phần vào sự phát triển của bệnh viêm loét dạ dày. Trong khi đó, cà chua là thực phẩm có nồng độ axit cao.
Một số loại thuốc theo đơn có thể được sử dụng để đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương và giảm sản xuất axit dạ dày. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các sản phẩm chứa cà chua có thể ngăn cản tác dụng của những loại thuốc này và gây ra các triệu chứng giống như ợ nóng.
Ngoài cà chua, bạn cũng nên bỏ qua các loại trái cây có tính axit cao như chanh, bưởi, cam.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp viêm loét dạ dày không gặp triệu chứng khó chịu gì khi ăn cà chua. Bởi vậy, bạn hãy lắng nghe cơ thể của mình và tham khảo ý kiến của bác sĩ khi gặp các biểu hiện bất thường.
Các trường hợp khác không nên ăn cà chua
Một số loại sỏi thận, chẳng hạn như sỏi canxi oxalate, có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Theo tạp chí Biology, cà chua chứa oxalate có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người nhạy cảm.
Nếu có tiền sử sỏi thận hoặc nguy cơ mắc bệnh, bạn nên hạn chế ăn cà chua và cần uống đủ nước.
Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) thường nhạy cảm hơn với thực phẩm giàu chất xơ hoặc chứa các loại đường cụ thể, chẳng hạn như fructose. Theo tạp chí Thế giới về Tiêu hóa, ăn nhiều cà chua có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng khó tiêu hóa ở một số người mắc IBS. Nhóm người này nên hạn chế ăn cà chua để tránh cảm giác khó chịu.