Theo cập nhật lúc 6h sáng ngày 13/2 của trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận tổng cộng 410,5 triệu ca nhiễm và hơn 5,8 triệu ca tử vong kể khi Covid-19 bùng phát hồi cuối năm 2019. Số hồi phục đạt 330,5 triệu trường hợp.

Về số ca lây nhiễm mới trong ngày qua, Nga đứng đầu với 203.800 người. Tiếp đến là Đức (151.800), Brazil (151.800) và Pháp (118.700).

Về số ca tử vong mới, Mỹ dẫn đầu với 873 người thiệt mạng vì Covid-19. Đứng sau lần lượt là Brazil (816), Nga (729) và Mexio (564).

{keywords}
Một nhân viên y tế bước qua đám đông đang chờ làm xét nghiệm Covid-19 tại một điểm xét nghiệm ở Seoul, Hàn Quốc ngày 3/2/2022. Ảnh: AP

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục

Ngày 12/2, Hàn Quốc ghi nhận số người nhiễm Covid-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, với 54.941 ca, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 1.294.205 trường hợp.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt mốc 50.000 ca. Nguyên nhân được cho là do biến thể Omicron dễ lây lan.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc xác nhận 33 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong trong cùng ngày, nâng tổng số nạn nhân xấu số của đại dịch ở nước này lên 7.045.

Các nhà chức trách cảnh báo, Hàn Quốc có thể có tới 170.000 ca nhiễm/ngày vào cuối tháng 2, dù còn quá sớm để dự báo đó là đỉnh dịch hay không.   

Mỹ hoãn phê chuẩn vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi

Quyết định cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 4 tuổi của Mỹ sẽ bị hoãn lại ít nhất 2 tháng. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) lý giải cần có thêm các dữ liệu thử nghiệm để đưa ra khuyến nghị chính thức.

FDA xác nhận đã đánh giá các thông tin mới từ cuộc thử nghiệm mà Pfizer/BioNTech gửi kèm cùng với đơn xin cấp phép nhưng vẫn cần thêm nhiều dữ liệu hơn trước khi đưa ra quyết định. 

Lẽ ra trong tuần tới, FDA sẽ đưa ra khuyến nghị sử dụng loại vắc xin nêu trên cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Và, Chính phủ Mỹ sẽ triển khai chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ từ ngày 21/2.

Theo Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu sinh học của FDA, cơ quan này cần thêm thời gian để đưa ra quyết định vì muốn đảm bảo vắc xin phải đạt mọi tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả khi được cấp phép sử dụng.

Na Uy bỏ hầu hết hạn chế chống Covid-19

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere, ngày 12/2, thông báo nước này hủy bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại trong nỗ lực chống đại dịch. Ông tuyên bố Covid-19 không còn là mối đe dọa y tế lớn đối với Na Uy nữa vì đến nay, nhiều thông tin chứng tỏ biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn trong khi vắc xin cung cấp sự bảo vệ hiệu quả.

Theo quyết định mới, từ 9h GMT ngày 12/2, người dân Na Uy không còn phải giữ khoảng cách ít nhất 1m nữa và cũng không cần đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người. Các câu lạc bộ ban đêm và cơ sở giải trí khác có thể nối lại hoạt động hết công suất.

Bên cạnh đó, những người nhiễm virus cũng không phải thực hiện tự cách ly, thay vào đó họ được khuyến nghị ở nhà 4 ngày.

Khách du lịch đến Na Uy không cần phải đăng ký trước, và chính phủ nước này cũng hủy bỏ quy định xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đối với một số nhóm hành khách.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 hiện nay trên Vietnamnet

Thanh Hảo

Hong Kong tăng kỷ lục ca mắc Covid-19, Malaysia sớm mở cửa

Hong Kong tăng kỷ lục ca mắc Covid-19, Malaysia sớm mở cửa

Dù áp dụng những hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt để thực hiện chính sách "0 ca nhiễm", Hong Kong (Trung Quốc) vẫn đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm cao chưa từng có.