Kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP sáng nay, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung điểm lại tình hình dịch: Trên thế giới Covid-19 đã xuất hiện tại 208 nước và vùng lãnh thổ, mỗi ngày tăng thêm 60-70.000 ca. Việt Nam với chủ trương “phòng là chính”, phấn đấu để dịch xảy ra ở mức thấp nhất, đã có những biện pháp cương quyết, mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều tác động tiêu cực, làm xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội, khiến học sinh, sinh viên phải nghỉ học trong gần 3 tháng qua.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng hiện nay chưa nước nào đưa ra nhận định thời gian dịch kết thúc, ngay cả Trung Quốc dịch đang bùng phát trở lại. Thậm chí ở Vũ Hán phát hiện có những ca sau 39 ngày mới phát bệnh, trong thời gian đó vẫn âm thầm lây nhiễm cho người khác.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Không chuẩn bị tinh thần và vật chất thì khi dịch bùng phát lên sẽ rất dễ thất bại |
Thế giới vẫn chưa sản xuất được vaccine để phòng dịch, theo khuyến nghị mới nhất cuối năm 2022 mới có thể có vaccine chữa hoặc phòng ngừa.
Hiện tại, Hà Nội đang có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước, từ ngày 6/3 đến nay có 96 ca. Ca nhiễm chia làm 3 nhóm: Nhóm từ nước ngoài nhập cảnh về được cách ly ngay sân bay, hiện kiểm soát được; nhóm lây nhiễm chéo trong BV và ngoài xã hội có 17 ca; nhóm lây nhiễm liên quan đến BV Bạch Mai có 36 ca.
Nhắc lại những trường hợp bệnh nhân số 237 khiến hơn 400 người liên quan thuộc diện cách ly hay ca bệnh 17, 21 cũng khiến hơn 2.100 người thuộc diện F1, F2, Chủ tịch Hà Nội cảnh báo nếu không kiểm soát tốt, đến ngày nào đó sẽ không còn khả năng xác định các ca F1, F2 như thế này.
"Hiện nay ta vẫn chủ động được nhưng nếu trong trường hợp kia ta có ứng phó được không?", ông Chung đặt vấn đề.
Bởi vậy, ông khẳng định biện pháp cách ly, giãn cách xã hội mà Thủ tướng yêu cầu hiện nay là phương án tối ưu, duy nhất mà chúng ta đã lựa chọn.
Cả nước đã chống dịch được trên 60 ngày, nếu đi đường dài mà không chuẩn bị tinh thần và vật chất thì khi dịch bùng phát lên sẽ rất dễ thất bại.
Kéo dài thêm thời gian cách ly
Qua đánh gia thực tiễn một số nước, lãnh đạo TP phân tích 2 xu hướng và lựa chọn, đó là: Nhóm chần chừ, không quyết liệt ngay từ đầu và nhóm quyết liệt ngay từ đầu.
Với nhóm nước không quyết liệt thì hệ thống y tế rất dễ bị sụp đổ, khó ngăn chặn được dịch bệnh. Có những nước hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, hàng chục nghìn người chết.
Việt Nam thuộc nhóm quyết liệt ngay từ đầu nên kiềm chế được lây nhiễm và hậu quả của dịch bệnh, từ đó giảm gánh nặng cho ngành y tế và có thời gian để học hỏi, rút kinh nghiệm từ các nước. Chúng ta cũng có thời gian để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do dịch nhưng ông lưu ý dịch luôn có nguy cơ lây lan nên không được chủ quan.
Chủ tịch Hà Nội nói: "Từ trước đến nay, ta có thói quen làm việc theo quy trình, suy nghĩ, có sự trợ giúp, nhưng trong dịch bệnh không cho phép ta làm như vậy, không cho phép lề mề, gây khó khăn hay chần chừ mà phải hành động khẩn trương".
Giao nhiệm vụ cho các quận huyện, Chủ tịch TP yêu cầu chuẩn bị tốt các cơ sở vật chất y tế, tổ chức tốt cách ly tại nhà, xác minh thật nhanh và cách ly ngay lập tức các trường hợp F1, F2. Các chốt phòng chống dịch phải tổ chức đo thân nhiệt, phun khử khuẩn tất cả ô tô, xe máy lưu thông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chỉ thị 16 như ra đường mà không đeo khẩu trang.
Qua trường hợp ở Mê Linh ủ bệnh đến 23 ngày, ông Chung nhận định, phải kéo dài thêm thời gian cách ly chứ không dừng lại ở 14 ngày.
Bài học từ bệnh nhân 237, lãnh đạo Hà Nội giao cho Sở Y tế quán triệt cho nhân viên y tế phải hiểu rõ dịch bệnh, xây dựng quy trình khám chữa, tất cả người bệnh phải cung cấp thông tin đi lại, đặc biệt chú ý đến nguồn gốc liên quan BV Bạch Mai.
Chủ tịch UBND TP thông tin từ nhiều tài liệu và các nhà dịch tễ trên thế giới cho biết virus corona đã có nhiều biến thể, sống trong cả môi trường lạnh và nóng. Bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài.
Vì vậy để tránh nguy cơ tiềm tàng, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị tất cả trường hợp sau khi hết hạn cách ly 14 ngày cho về thì địa phương phải tiếp tục cho cách ly tại nhà, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, không tiếp xúc với người thân trong gia đình.
Các trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai hay bệnh nhân thứ 237 cũng nên cách ly tại nhà đến hết ngày 15/4, thậm chí kéo dài đến 20/4.
Đàm Xuân An
Ảnh: Phạm Văn Bắc
Một người Hà Nội mắc Covid-19 sau 23 ngày đến BV Bạch Mai
Chủ tịch Hà Nội cho biết 1 người ở huyện Mê Linh từng đến BV Bạch Mai, về nhà từ ngày 12/3 sau đó không giao tiếp với ai, 23 ngày sau vẫn phát hiện dương tính Covid-19.