142/161 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Toàn tỉnh Cao Bằng có 124.441 trẻ em dưới 16 tuổi, số trẻ em đang sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 45.000 trẻ, trên 900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 47.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong những năm qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức, quán triệt, tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn Tỉnh về các nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh.

Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh đã tổ chức gần 200 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cho trên 10 nghìn lượt người; tổ chức trên 100 hội nghị, tập huấn, tuyên truyền cho khoảng 1.500 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cấp huyện, xã và cộng tác viên các thôn/tổ dân phố, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em về các nội dung: bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; phòng, chống HIV cho trẻ em, kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ; kiến thức về nuôi con khỏe, dạy con ngoan; công tác y tế trường học, giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên,…

Ảnh minh hoạ

In và phát hành 20 nghìn tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng; xây dựng hàng trăm pa-nô, áp-phích, băng-zôn, tài liệu tuyên truyền liệu về nội dung Luật trẻ em, kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bắt cóc trẻ em và các chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Công tác chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện rõ rệt qua các năm. Độ bao phủ và chất lượng của các dịch vụ y tế được cải thiện, phù hợp hơn cho trẻ em, hầu hết trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đã được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng thích hợp; trẻ em từ 5 đến 12 tuổi được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định. Các chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng cho trẻ em đều đạt và vượt so với mục tiêu của Tỉnh đề ra tại các chương trình, kế hoạch.

Đến năm 2023, toàn tỉnh có 526 cơ sở Giáo dục Đào tạo công lập (không bao gồm trường Trung cấp nghề tỉnh) và 01 trường mầm non ngoài công lập; hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú có 48 trường, trong đó có 07 trường tiểu học, 15 trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS), 26 trường THCS, tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.

Tỉnh duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tại 100% xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thành phố. 10/10 đơn vị huyện/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học Mức độ 3; Toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Các khu vui chơi cho trẻ em được quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, vận hành các điểm, khu vui chơi trẻ em tư nhân. Một số địa phương xây dựng và duy trì tốt các mô hình Câu lạc bộ"Gia đình văn hoá", "Cộng đồng thân thiện vì trẻ em”, đội văn nghệ xã, phường.

Các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường nội trú, bán trú tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các trường học; khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng; chú trọng nâng cao hiệu quả tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ cho học sinh, sinh viên góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng thị hiếu âm nhạc giúp học sinh, sinh viên hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Việc bảo đảm quyền trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, nhất là trước những tác động của đại dịch COVID-19, được các cấp, ngành và địa phương, các cơ sở GD&ĐT thường xuyên phối hợp, chủ động triển khai. Thông qua các chính sách, chương trình, dự án, sự hỗ trợ của các tổ chức, các nhà hảo tâm, từ năm 2018 đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ quần áo ấm cho 600 trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa; trên  2.500 trẻ em là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được thụ hưởng chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam”; 100 trẻ em được nhận xe đạp từ Chương trình Quỹ xe đạp chở ước mơ; hỗ trợ trên 2.000 trẻ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 03 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em; thăm và tặng quà trong dịp Tết Thiếu nhi 01/6 và Tết Trung  thu  cho  gần  1.000  tập  thể và hơn 4.000 trẻ em; vận động ủng  hộ trên 22.000 trẻ em và các hoạt động liên quan đến trẻ em, với trên 10.000 gói hỗ trợ, tổng số tiền hơn 08 tỷ đồng; phối hợp với Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm tim mạch bệnh viện E khám sàng lọc tim bẩm sinh, khuyết tật cho 994 trẻ…

Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là nhóm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục đã nhận được sự quan tâm chăm sóc của chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình và xã hội thông qua các chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, miễn phí phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác BVCSGD trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tích cực. Đến nay, 142/161 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt 88,2%, 100% trẻ sinh ra được đăng ký khai sinh đúng thời hạn; không có trẻ em bị lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc, không có trẻ em vi phạm pháp luật; trên 98% trẻ em hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc; 99,1% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí; 98% trẻ em sinh ra được tiêm vắc xin phòng bệnh; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm và hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh, đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu, rèn luyện, phát huy năng khiếu, sở trường và có cơ hội bày tỏ nguyện vọng của mình. 

Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Trung ương về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ vào chăm sóc trẻ em; chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề của trẻ em; hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; tăng cường các giải  pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo đảm thực hiện  quyền trẻ em, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trong các tình huống thiên tai và dịch bệnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp quản lý, giáo dục trẻ em tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, triển khai các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiệu quả, bổ ích nhằm tạo sân chơi và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho trẻ em.

Cùng với đó, công tác giáo dục trẻ em sẽ được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, để các em hiểu rõ về quyền và bổ phận của mình, từ đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các em đối với gia đình, nhà trường và xã hội; sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng  các thiết chế văn hóa - thể thao, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí đa chức năng cho trẻ em, kết hợp vui chơi, giải trí với giáo dục nâng cao thể chất. Đẩy mạnh công tác vận động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Hoà An

Như Sỹ và nhóm PV, BTV