Chục năm trước, nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nghèo “rớt mồng tơi”. Thế nhưng, chỉ sau một thập kỷ, nhiều làng quê bất ngờ thay da đổi thịt từ những chuyến xuất ngoại đầy vất vả chông gai.
Ký ức làng nghèo
Nhắc đến bức tranh làng năm xưa, nhiều người xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) không khỏi rùng mình bởi cái nghèo, đói bao trùm. Những già làng lạc quan nhất cũng không thể ngờ rằng một ngày trên mảnh đất cằn cỗi sỏi đá này nhà cao tầng mọc lên san sát, biến miền quê nghèo thành xứ phồn hoa.
Buổi sáng, ông Nguyễn Trọng Thiểu tuổi ngoài lục tuần ngồi khoan thai trên bộ bàn ghế bằng gỗ nguyên khối, thưởng thức chén trà đắng. Ông là thương binh nhưng còn khỏe lắm, ngồi nói chuyện với chúng tôi ông luôn miệng cười khà khà.
Hỏi chuyện về làng, ông bảo: “Cái làng Nhật Tân này ‘thay da đổi thịt’ chừng chục năm trở lại đây nhờ trai làng xuất ngoại mang tiền về, chứ bám vào ruộng vườn bao giờ mới xây nhà lầu được”.
Những ngôi nhà xây dựng kiểu Thái giữa làng quê Mỹ Lộc |
Trong ký ức của ông vẫn chưa thể quên những năm tháng khó khăn đến ngột ngạt tại miền quê này. Là một xã nằm giữa ranh giới miền núi và đồng bằng, người dân thuần nông, nhưng để sống bằng ruộng vườn quả không dễ bởi đất đai cằn cỗi, khí hậu bốn mùa khắc nghiệt.
“Mấy chục năm sống trên đời, chưa bao giờ tôi chứng kiến mảnh đất này lại có người phất lên bằng nghề cày ruộng. Vất vả quanh năm mới đủ cái ăn, nhà càng đông con thì cuộc sống càng cơ cực trăm bề” - ông Thiểu kể.
Ông Nguyễn Văn Dịnh (80 tuổi, thôn Nhật Tân), một thời bám trụ với đồng ruộng, kể lại, trước thì đói lắm, ruộng bậc thang làm chỉ đủ ăn. Cay nghiệt nhất khi mùa màng đến chưa kịp thu hoạch gặp mưa lớn nước trên núi đổ về thì toàn bộ hoa màu bị cuốn sạch.
Ông kể, trước những năm 90, cả làng không có nỗi một gian nhà ngói, người dân trong thôn sống tạm bợ trong những ngôi nhà tranh vách đất tựa lưng vào sườn núi. Khổ nhất là mùa mưa bão về, mái lều tranh dột tứ phía, nhiều năm bão lớn về xô nhà ngã như rạ, dân tình thấp thỏm sống không yên.
“Nông dân thường đông con, vài ba sào ruộng làm đủ ăn là may lắm, chưa bao giờ dám nghĩ mảnh đất này lại thoát nghèo rồi xây nhà to, sắm xe đẹp” - ông Dịnh nói.
Ông Nguyễn Trọng Thiểu trong ngôi nhà khang trang của gia đình. |
Sống trên mảnh đất sỏi đá, thanh niên lớn lên lũ lượt kéo nhau đến các đô thị lớn trong nước làm việc. Nhưng đồng lương công nhân cũng chỉ tạm sống qua ngày, thanh niên rời làng được vài năm lại trở về với góc ruộng quen thuộc
Không khuất phục với số phận, người lao động bắt đầu tìm tòi con đường xuất ngoại, khi ăn nên làm ra lại về kéo theo người làng cùng tham gia. Cứ thế, thanh niên lũ lượt xuất ngoại đem của cải về làm giàu cho thôn làng.
Rủ nhau xuất ngoại sang Thái
Trước những năm 2000, toàn xã Mỹ Lộc không có nổi một ngôi nhà kiên cố, nhưng hôm nay làng xã đã đổi thay, nhìn đâu cũng thấy nhà cao tầng cao chót vót, chẳng khác nào trên phố.
Ông Nguyễn Khánh - Trưởng thôn Nhật Tân - cho hay, quả là nhiều làng ở xã Mỹ Lộc đổi nhanh, đường làng rộng thênh thang, nhà cửa thi nhau xây dựng mọc lên san sát, tất cả đều bằng con đường xuất ngoại sang Thái Lan mà thành.
Ông Khánh kể, người dân bắt đầu sang Thái làm việc từ những năm 2000, ban đầu một số ít người đánh cược với nguy hiểm sang xứ người mưu sinh. Khi ăn nên làm ra, họ về đưa người làng đi cùng. Rồi người ta đổ xô đi Thái như một trào lưu, và đây cũng là cách thoát nghèo nhanh nhất ở xứ Mỹ Lộc.
Một góc xã Mỹ Lộc hôm nay |
Bản thân ông Khánh cũng có khoảng thời gian 4 năm mưu sinh trên đất Thái, như bao người dân Mỹ Lộc khác. Ông Khánh sang Thái làm đủ nghề để mưu sinh, đàn ông chủ yếu làm thợ hồ, giữ xe còn phụ nữ thì phục vụ nhà hàng, rửa chén bát.
“Người dân Mỹ Lộc sang Thái làm việc thu nhập hàng tháng trung bình khoảng 15 triệu đồng, nhiều người chịu khó quần quật làm việc suốt ngày nên lương mỗi tháng lên đến vài chục triệu. Hầu hết người dân xuất ngoại đều cặm cụi làm ăn, ít tiêu pha nên gom góp tiền đưa về nước” - ông Khánh nói.
Với thu nhập cao và ổn định, con đường xuất ngoại sang Thái rất hấp dẫn người dân Mỹ Lộc. Riêng thôn Nhật Tân có 360 hộ dân nhưng trên 460 người đang mưu sinh bên đất Thái. Trung bình mỗi hộ dân có 1 đến 2 người xuất ngoại, cá biệt có gia đình tới 4 người đang làm việc bên Thái.
Dẫn chúng tôi đi quanh làng, ngắm đủ các kiểu nhà cao tầng rồi ông Khánh chỉ vào một ngôi nhà 4 tầng được trang hoàng lộng lẫy, nói: “Chủ nhân ngôi nhà là anh Trần Đặng, thuộc lớp người đầu tiên của làng sang Thái làm ăn, nay ngót nghét đã 15 năm”.
“Ngày trước vợ chồng anh Đặng nghèo lắm, hai vợ chồng học hành không nhiều lấy nhau rồi làm ruộng sống qua ngày. Sau một chuyến đi Thái khấm khá, anh Đặng về đưa vợ đi cùng. Mỗi khi sinh đẻ thì anh Đặng đưa vợ về quê, con cái cứng cáp một chút lại gửi con cho ông bà giữ rồi tiếp tục sang Thái. Cứ thế, hai vợ chồng lao vào làm việc mang đô la về xây nhà” - ông Khánh nói.
Lê Minh