Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước; với 922 chủ thể OCOP, trong đó 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là hợp tác xã và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tính riêng tỉnh Cà Mau đã có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (gồm 32 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao). Trong đó, 42 sản phẩm OCOP đã có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso.vn, Postmart.vn, Lazada, Amazon, Alibaba...
100% sản phẩm OCOP Cà Mau đều được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ madeincamau.com.
Bà Hoàng Minh Xuân, Giám đốc Marketing của Chợ Tốt cho biết: Chợ Tốt là chợ trực tuyến với hơn 60 ngành hàng khác nhau, hiện đang phối hợp với Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đem nông sản, đặc sản địa phương tới các thị trường trong nước. Mỗi ngày trên Chợ Tốt có khoảng 50.000 người vào mua, mỗi tháng hơn 300.000 người vào mua.
“Hơn 140 loại nông sản, món ngon Cà Mau đang được bán trên Chợ Tốt chủ yếu là tôm, cua, các loại khô… Những mặt hàng này đắt khách hơn tầm 15% so với các mặt hàng nông sản khác đang được bán trên Chợ Tốt. Chúng tôi rất tự hào khi nhìn danh sách sản phẩm này, tự hào về ẩm thực Việt Nam, công sức lao động, sức sáng tạo của bà con trong việc phát triển đa dạng sản phẩm nông sản”, bà Xuân chia sẻ.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày càng nhiều người tiêu dùng mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các sàn thương mại điện tử đã phổ biến như Shopee, Lazada… cũng như qua mạng xã hội. Thống kê mới đây cho thấy, những năm qua, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bình quân mỗi năm là 21 - 24%.
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã phối hợp cùng các địa phương (với các đầu mối gồm sở nông nghiệp, sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư) đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các chủ thể OCOP, để các chủ thể có thể chủ động mở kênh kinh doanh online (trực tuyến) trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử rồi tiêu thụ sản phẩm trên đó.
Trên các nền tảng, chủ thể OCOP có thể dễ dàng kể những câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, về sự độc đáo, sự khác biệt, về thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm, có sức lan tỏa rất tốt, góp phần tăng doanh số, từ đó có thể mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
“Vừa rồi chúng tôi phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang để tổ chức những sự kiện online như Phiên chợ OCOP. Đến thời điểm này, sau gần 1 năm triển khai thì hagstag OCOP đã có 1,2 tỷ lượt xem. Đây là sự phát triển rất nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn trong năm 2024 và những năm tới, các địa phương ở Cà Mau cũng hướng tới các phiên chợ online trên nền tảng mạng xã hội”, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết.
Cũng theo đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, theo kế hoạch hoạt động năm 2024, Trung tâm này sẽ có thể phối hợp với các địa phương ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gồm cả Cà Mau tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP, từ các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, diễn đàn kết nối với các nhà phân phối, nhà bán buôn, các hệ thống chuỗi bán lẻ…, đến việc tham gia các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Qua đó, sản phẩm OCOP có thể hiện diện cả ở Thái Lan, châu Âu, Nhật Bản, Dubai…