Bệnh viện Đa khoa Cà Mau là bệnh viện tuyến tỉnh, thực hiện tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho người dân tại Cà Mau và các tỉnh lân cận. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện thải ra 200 - 500kg chất thải rắn tái chế, 150 - 250kg chất thải lây nhiễm và 7kg chất thải nguy hại không lây nhiễm. Bệnh viện đã xây dựng quy trình và thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải theo quy định của Bộ Y tế.

Bệnh viện đã không ngừng đầu tư cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn qua việc mua sắm trang thiết bị, định kỳ tập huấn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác quản lý chất thải rắn y tế. Tuy nhiên, do đặc thù công việc nhiều nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh vẫn chưa được tập huấn, đào tạo.

Bác sĩ Lê Thanh Bình – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau và bác sĩ Lê Thái Thanh Tâm - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã nghiên cứu “Mô tả kiến thức, thực hành và các yếu tố liên quan của nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh về quản lý chất thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, năm 2022-2023”. 

Theo nghiên cứu trong 679 nhân viên y tế và 90 nhân viên vệ sinh tham gia cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế có kiến thức đúng, thực hành đúng về quản lý chất thải y tế rắn tại đây cao hơn nhân viên vệ sinh. Bởi vì, nhân viên y tế được tập huấn, đào tạo. Khi nghiên cứu kết quả ghi nhận có 1 bộ phận không ít còn 39,47% nhân viên y tế và 28,89% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo, tập huấn về quản lý chất thải rắn trong y tế.

rac thai y te 2.png
Nhân viên y tế phân loại chất thải y tế. 

Bác sĩ Minh cho rằng muốn công tác quản lý chất thải rắn y tế được tốt hơn, cơ sở y tế cần tăng cường tập huấn cho cả nhân viên y tế và đội ngũ nhân viên vệ sinh trong bệnh viện. Khi được tập huấn về quản lý chất thải y tế làm tăng tỷ lệ nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh có kiến thức đúng, thực hành đúng về quản lý chất thải rắn y tế.

Ngoài ra, kiến thức đúng cũng được xác định có liên quan mang ý nghĩa thống kê với thực hành đúng về quản lý chất thải rắn y tế. 

Nguồn phát sinh chất thải y tế chủ yếu là: bệnh viện, các cơ sở y tế khác như: trung tâm vận chuyển cấp cứu, phòng khám sản phụ khoa, nhà hộ sinh, phòng khám ngoại trú, trung tâm lọc máu...; các trung tâm xét nghiệm và nghiên cứu y sinh học, ngân hàng máu... Các nguồn xả chất lây lan độc hại chủ yếu là ở các khu vực xét nghiệm, khu phẫu thuật, bào chế dược. 

 Chất thải y tế là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn cư trú, phát triển và rất dễ gây ô nhiễm. Nếu không được quản lý, xử lý an toàn sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì trong tổng số lượng chất thải do các hoạt động chăm sóc sức khỏe tạo ra, có khoảng 85% là chất thải chung, không nguy hại; 15% còn lại được coi là chất độc hại có thể lây nhiễm, độc hại hoặc phóng xạ. 

Theo báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia của Việt Nam năm 2017, trung bình mỗi ngày các bệnh viện thải ra khoảng 47-50 tấn chất thải nguy hại, mức độ gia tăng khoảng 7,6%.

Dự báo đến năm 2025, lượng chất thải nguy hại y tế tiếp tục gia tăng, lượng phát sinh trên cả nước đến năm 2025 ước khoảng 900 tấn/ngày (tương đương 33.500 tấn/năm). Trong quản lý chất thải y tế thì nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh có vai trò cực kỳ quan trọng vì họ tham gia ở hầu hết các quy trình quản lý chất thải y tế. 

 

Kim Chi và nhóm PV, BTV