Từ khi Luật Thủy sản năm 2017 đi vào thực tiễn, tại Cà Mau các địa phương đã khuyến khích ngư dân giảm tàu cá có công suất máy dưới 20CV khai thác gần bờ và khuyến khích ngư dân nâng cấp, hoán cải tàu cá sang công suất lớn hơn để đánh bắt xa bờ. 

Tại Cà Mau, việc quản lý nhóm tàu cá có công suất máy dưới 20CV do huyện thực hiện. Tuy nhiên nhiều địa phương không chú trọng việc cấp phép khai thác thủy sản cho phương tiện này. Ngư dân thường là người nghèo di cư đến vùng ven biển mưu sinh, không quan tâm tới công tác đăng kiểm, đăng ký cũng như chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.  Những tàu này chủ yếu hoạt động qua nghề te (đẩy ruốc, đẩy cá cơm), nghề lưới kéo khai thác gần bờ… Khai thác thủy sản bằng nghề te, lưới kéo, gây nguy hại đến nguồn lợi môi trường sống của loài thủy sản, đặc biệt là vùng biển ven bờ, làm ảnh hưởng rất lớn đến ấu trùng, trứng, giống, thủy sản bố mẹ tự nhiên.  Đây là nghề, ngư cụ cấm sử dụng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản, yêu cầu tất yếu là chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ. 

de biet tay.png
Tàu thuyền tại đê biển Tây, Cà Mau. 

Tại huyện U Minh, các địa phương đã thực hiện công tác chuyển đổi nghề cho ngư dân. Với những phương tiện có công suất dưới 20CV, cán bộ ấp, xã đã nắm bắt tình hình chuyển đổi nghề của các gia đình để có bước hỗ trợ phù hợp. Vận động người dân nâng cấp các phương tiện để đăng ký, đăng kiểm hoạt động trên biển. Một số địa phương chuyển đổi nghề cho người dân sang mô hình khác ví dụ nghề te sang nghề ốc mực, nghề lưới rê sử dụng kích thước mắt lưới 80mm, đối tượng khai thác chính là ghẹ, các loài cá khác và vùng đánh bắt từ 5 đến 7 hải lý.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau cần nguồn lực lớn ngân sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ nhưng hiện nay còn thiếu nên các mô hình chuyển đổi nghề chưa được triển khai rộng rãi. 

Từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định phát triển khai thác thủy sản bền vững. Với mục tiêu duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của tỉnh với cơ cấu tàu, nghề phù hợp khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Từ nay tới năm 2025, Cà Mau tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến môi trường biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển, đảo.

Đến năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu giảm 10% hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020. 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả. 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.  Tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm, tổn thất sau thu hoạch giảm xuống.

Trên địa bàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 02 chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá hoặc mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng nghề truyền thống ven biển. 

Cà Mau đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ chấm dứt nghề khai thác thủy sản hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển; Phát triển ứng dụng thiết kế, sản xuất ngư cụ, phương pháp khai thác tiên tiến, thân thiện với môi trường; Nghiên cứu các mẫu tàu mới phù hợp với khai thác thủy sản vùng khơi, tiến tới thay thế tàu vỏ gỗ bằng vật liệu phù hợp và các trang thiết bị thông tin hàng hải, khai thác để từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu trong quá trình khai thác thủy sản. 

Bên cạnh đó là tổ chức, sắp xếp lại tàu cá khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch. Chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi sang lĩnh vực khác, để từng bước cân bằng cường lực khai thác phù họp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thanh Nga và nhóm PV, BTV