TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin ngày 20/2, trung tâm tiếp nhận, điều trị 2 bệnh nhân chẩn đoán ngộ độc nấm. Họ là 2 trong gia đình gồm 8 người cùng ăn nấm dại.
Người nhà cho biết sáng 17/2, các anh em họ trong cùng gia đình (ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) vào rừng kiểm tra đàn bò và nhìn thấy nấm đẹp, ngon.
Vì vậy, họ hái về nấu canh cho cả gia đình cùng ăn trong bữa trưa ngày 18/2. Sau ăn khoảng 12 tiếng, 6 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy.
Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Mai Châu, (Hòa Bình) sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bốn người có tình trạng ngộ độc nhẹ được điều trị tại tuyến dưới. Hai trường hợp nặng hơn được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ Nguyên, đó là bệnh nhân H.C.L (37 tuổi) và H.T.B (40 tuổi) được chuyển đến trung tâm trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy, mất nước nặng, nhiễm toan chuyển hóa, viêm gan nặng.
Bệnh nhân H.C.L. nhanh chóng tiến triển nặng hơn, suy đa tạng và tử vong sáng 22/2. Trường hợp còn lại đã tỉnh táo, tình trạng sức khỏe bắt đầu cải thiện.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm các nạn nhân bị ngộ độc do ăn nấm chứa độc tố amatoxin. Đây là chất cực độc, thường gây chết người do viêm gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương đa cơ quan.
Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ) theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.
Ở giai đoạn 2, các biểu hiện diễn ra âm thầm. Lúc này, bệnh nhân và bác sĩ dễ hiểu nhầm là nạn nhân đã khỏi (có thể chủ quan xin ra viện).
Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau, người bệnh bị ngộ độc sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với biểu hiện tổn thương và suy tạng. Tiếp theo đó, người bệnh sẽ mê sảng, hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.
Đại diện Trung tâm Chống độc cho biết trường hợp bệnh nhân H.C.L. khả nặng ngộ độc liều lớn dẫn tới tổn thương và suy đa tạng nhanh chóng.
Nguy hiểm hơn, do biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn quá 6 giờ sau khi ăn, tức là khi nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố đang được hấp thu. Khi đó, dù bệnh nhân có nôn, bác sĩ rửa dạ dày cũng không có tác dụng.
Bác sĩ Nguyên cho biết mùa xuân là mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc. Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%).
Các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn.
Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt loại lành hay có độc.
Trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.