- Việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước lớn ở Á châu, Nhật Bản và Ấn Độ trong một loạt các lĩnh vực bao gồm năng lượng hạt nhân sẽ đóng góp không chỉ cho sự thịnh vượng của cả hai nước, mà còn cho sự ổn định và phát triển ở khu vực châu Á.

{keywords}
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters.

Trước hết, Ấn Độ với nền kinh tế đang tăng trưởng có nhu cầu rất lớn về tăng nguồn điện hạt nhân. Mặt khác, nước này là quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ ba thế giới, cùng với Trung Quốc và Mỹ, gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn cầu về ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, Ấn Độ có kế hoạch nâng cao tổng công suất điện hạt nhân quốc gia từ 5,780 MWe (từ 21 lò phản ứng) hiện nay lên tới 63,000MWe vào năm 2032, tương đương với 9% tổng công suất lắp đặt thêm. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ rất kỳ vọng dựa vào năng lực công nghệ của Nhật Bản, đặc biệt giúp xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ (LWRs) với kích thước lớn.

Ngoài ra, việc hợp tác với Nhật Bản sẽ giúp Ấn Độ giảm thiểu nguồn điện than gây ô nhiễm, khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu càng tăng thêm, một vấn đề cả thế giới đang phải đối mặt hiện nay.

Về phía Nhật Bản, vốn là một cường quốc điện hạt nhân trước khi sự kiện Fukushima xảy ra. Trải qua một lịch sử lâu dài và nhiều thập kỷ tích lũy kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản có khả năng cung cấp công nghệ hạt nhân ở trình độ cao và các sản phẩm có chất lượng cho nước khác.

Dựa trên các bài học kinh nghiệm rút ra từ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực để cải thiện an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Với công nghệ, các sản phẩm và bài học kinh nghiệm như vậy, Nhật Bản có khả năng giúp sức cho việc phát triển, xây dựng mới và nâng cao tính an toàn hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ.

Mặt khác, việc thâm nhập vào thị trường điện hạt nhân Ấn Độ, nơi được kỳ vọng sắp tới sẽ có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Nhật Bản không chỉ có thêm cơ hội mới giúp hồi sinh mà còn giúp duy trì, cải tiến hơn nữa nền công nghệ hạt nhân cũng như phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực hạt nhân của nước mình.

Cũng phải công nhận rằng, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân diễn ra trong một bối cảnh khá đặc biệt.

Quả vậy, Ấn Độ là một quốc gia chưa ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 1974. Vì vậy, quốc gia này, về nguyên tắc, không thể có được sự hợp tác hạt nhân quốc tế và phải tự lực thực hiện chương trình phát triển hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, năm 2005, Hoa Kỳ đã có động thái để đưa Ấn Độ vào khuôn khổ của hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Hoa Kỳ đã quyết định thúc đẩy hợp tác hạt nhân với Ấn Độ với điều kiện nước này phải tuân thủ lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, áp dụng các biện pháp thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân dân sự, chấp hành các hướng dẫn của nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) và nhiều hơn thế nữa.

Thế nên kể từ năm 2008, với sự tham gia của 45 quốc gia, các nhà cung cấp hạt nhân NSG đã chấp thuận hợp tác hạt nhân với Ấn Độ dù là một quốc gia không tham gia NPT. Cụ thể, nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Canada, Hàn Quốc, Australia, Kazakhstan v.v… đã ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân với nước này. Nhờ đó, Nhật Bản dựa vào tiền lệ đó để không bị cản trở nào trong tiến trình đàm phán để có được thỏa thuận hợp tác hạt nhân tương tự.

Và theo nguồn tin từ Nhật báo Mainichi của Nhật Bản số ra mới đây (ngày 10/12/2015), công tác chuẩn bị đang được hoàn tất để Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể thăm chính thức Ấn Độ vào giữa tháng 12/2015 này và sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Chương trình nghị sự dự kiến trong chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gồm một nội dung quan trọng - thảo luận và đi đến một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản.

Minh Trần

TIN LIÊN QUAN