Ca sĩ Hoàng Quyên vừa ra mắt dự án âm nhạc Quyên Gallery No.1 bao gồm: Album A Diary of Melody (Cuốn nhật ký bằng giai điệu), gồm 8 ca khúc do chính cô sáng tác và sản xuất; Triển lãm nghệ thuật Quyên Gallery trưng bày và trình diễn âm nhạc kết hợp hội họa, nghệ thuật sắp đặt.

Ca sĩ Hoàng Quyên.

Album A Diary of Melody vừa phát hành dưới dạng vật lý với chất liệu sơn mài giới hạn 100 bản và cũng được phát hành trên các nền tảng nhạc số. Đây là album phòng thu thứ 4 trong 10 năm hoạt động ca hát của Hoàng Quyên nhưng là album có ý nghĩa khởi đầu hành trình từ một giọng ca pop chuyển sang địa hạt singer-songwriter (nghệ sĩ tự hát sáng tác của mình).  

Hoàng Quyên và nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Benjamin James. 

Album mở đầu với bài hát The Square - sáng tác đầu tiên của Hoàng Quyên. Chia sẻ về cảm hứng này, Hoàng Quyên nhớ lại: "Đó là một buổi chiều mưa tháng 7, khi tôi đi bộ trên quảng trường gần nhà. Xúc cảm tình yêu buồn như màn mưa thấm tan vào không gian và nỗi niềm, giai điệu cứ thế cất lên 'ngày mưa trời buồn, quảng trường rộng lắm, em trên lối một mình...' khắc họa hình ảnh cô gái mong manh, cô đơn, bước đi trên quảng trường của thực tại lẫn tâm tưởng".

Trong khoảng 1 tháng, Hoàng Quyên sáng tác liên tục, mỗi ngày một bài. Album A Diary of Melody chắt lọc 8 ca khúc - từ 30 bài cô sáng tác như cuốn nhật ký giãi bày tâm tư về vẻ đẹp của tình yêu, cuộc sống và chính những trải nghiệm của nữ ca sĩ.

Những bản nhạc được trưng bày tại buổi ra mắt album.

Cảm thức không gian rộng lớn từ bài hát mở đầu The Square và kết thúc “cuốn nhật ký” bằng dòng chảy thời gian với ca khúc Bốn mùa để yêu đầy hoan ca. Nghe trọn A Diary of Melody cảm nhận tiếng hát Hoàng Quyên như thứ rượu được chưng cất, ủ ướp lâu năm, nguyên sơ mà dịu ngọt, sóng sánh trong từng giọt giai điệu.

Không chỉ khai phá tài năng viết ca khúc, A Diary of Melody còn là bước bứt phá của Hoàng Quyên trong vai trò sản xuất khi trực tiếp tham gia vào quá trình làm nhạc cùng cộng sự trong nước và quốc tế như: Thanh Bùi, Benjamin James (đặt hợp âm), Tim Vander (nhà sản xuất âm nhạc của Adele, Taylor Swift…).

Album này cũng có bước tiến về sản xuất khi được hợp tác với hãng thu âm hàng đầu thế giới Abbey Road London ở khâu mastering (bước cuối cùng của quá trình hậu kỳ âm thanh, cân bằng các yếu tố âm thanh và tối ưu hóa việc phát trên tất cả hệ thống đa phương tiện).

Sau nhiều năm không đi hát để tập trung cho giáo dục âm nhạc, đây là lần hiếm hoi Thanh Bùi trở lại với vai trò ca sĩ. Chính anh là người nhận ra Hoàng Quyên có tiềm năng viết ca khúc và đề nghị cô học thêm về sáng tác.

Không gian 'liên văn hóa' trưng bày các tác phẩm hội hoạ và âm nhạc. 

Tại không gian ra mắt album, Hoàng Quyên cũng giới thiệu với giới mộ điệu triển lãm bao gồm phần trình chiếu MV âm nhạc-hội họa của cô cùng họa sĩ Vũ Đình Tuấn mang tên Xin cho hôm nay trôi đi, trưng bày gần 40 tác phẩm tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sĩ đã thành danh Vũ Đình Tuấn, Tào Linh, Nguyễn Trần Cường, Vũ Hiệp, Nguyễn Mạnh Thắng và Lê Đăng Ninh.

Hoàng Quyên cho hay đây là một dự án mới mẻ, một “bảo tàng chuyển động” thể hiện sự đồng điệu tâm hồn giữa các nghệ sĩ, mang tinh thần “liên văn hóa” khi giao thoa các loại hình nghệ thuật trong cùng không gian và thời gian.