Để xem, trong một năm, có bao nhiêu lần những chiến dịch "giải cứu" được kêu gọi.

"Giải cứu heo/lợn; giải cứu mía đường, giải cứu thanh long, giải cứu dưa hấu... rồi củ cải, ớt, dưa chuột, hoa ly....". Ngoặc kép là phát biểu nghị trường của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa hồi giữa năm 2018 khi ông nhắc lại tình trạng ‘năm nào cúng tái diễn’ các cuộc "giải cứu" nông sản.

Đằng sau các cuộc "giải cứu" ấy, là "hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí phá sản".

Điểm chung của các cuộc "giải cứu" ấy, là sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất khiến bất cứ khi nào "có biến", bất cứ "biến" đó là gì thì lập tức sinh ra ùn ứ, ế thừa khắp nơi.

{keywords}
Ảnh: Báo Công thương

"Không yêu thì đừng nói lời cay đắng" - bình luận của một bạn đọc - ngay bên dưới bản tin "giải cứu tôm hùm", trước quá nhiều bình luận, đại ý để giải cứu 1kg tôm hùm (giá lỗ vốn cũng 1,2 triệu đồng/kg) người ta sẽ phải "cả tháng nhịn chợ".

Một mặt hàng nông sản, muốn thành công, phải hướng tới xuất khẩu, nếu muốn nó thực sự tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Hơn nữa, dịch bệnh, thiên tai cũng là bất khả kháng, là vượt ngoài mọi dự báo. Hơn nữa, "không yêu thì đừng nói lời cay đắng" vì quả dưa, con heo, ký tôm... đều là mồ hôi nước mắt, là gia sản, nợ nần, là sinh kế của nông dân cả.

Nhưng cuộc tranh luận "giải cứu tôm hùm" hôm nay cũng cho thấy vấn đề, nếu như không nói là điểm yếu của nền kinh tế. Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Người dân có thể bỏ ra 4.000 đồng để "giải cứu" cho 1kg dưa hấu. Nhưng câu chuyện sẽ rất khác với 1kg tôm hùm, nơi cái giá của "giải cứu" sẽ là "cả tháng nhịn chợ", của những người "cả đời chưa biết mùi vị tôm hùm".

Sẽ là câu chuyện của kinh tế nông nghiệp, của cả ngành kinh tế nếu giải cứu như một tình trạng triền miên tái lập năm này qua năm khác. Sẽ rất vấn đề nếu đó cũng được coi như một giải pháp. Sẽ đến lúc không thể "giải cứu" nếu nó là phép cộng các mặt hàng cần "giải cứu".

"Tôi tự hỏi tại sao chúng ta có nhiều hội nghị, hội thảo bàn cách giải quyết đầu ra cho nông sản mà chưa có bàn cách không giải cứu nông sản", ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.

Và đó cũng là vấn đề của cả nền kinh tế.

Bởi nông sản, hay bất cứ loại hàng hóa nào sẽ chẳng bao giờ cần phải "giải cứu" nếu sản phẩm của chúng ta có thể bán ở nhiều "cái chợ", thay vì phụ thuộc quá lớn vào một cái chợ.

Nếu nó đủ "tốt và ngon" để có thể bán đắt nhất vào những thị trường khó tính nhất thay vì nhiều và rẻ.

(Theo Lao Động)