Phục hồi mong manh, thế giới còn bất trắc

Tăng trưởng GDP đạt 4,48% (so cùng kỳ năm trước) trong quý I năm 2021, tương đương với quý IV năm 2020.

Đánh giá về con số này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Tuy vẫn thấp hơn so với các mức trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế, dù dịch bệnh bùng phát đợt ba ở miền Bắc trong tháng 2.

Song, WB cũng lưu ý, quá trình phục hồi diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều khi một số lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc Covid-19.

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế quý I vẫn còn thấp. Ảnh: Lương Bằng

Tổ chức này cho rằng, quá trình phục hồi có thể gặp những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực. Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến.

Báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương dự báo: “Nếu Việt Nam đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách sẽ dẫn tới chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tốc độ GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm.”

Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định: Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, theo VEPR, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, chậm cho hiệu quả quản lý thấp; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện,...

“Việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng - Nhà nước mới, với Chính phủ mới, hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021 và sau đó”, VEPR đánh giá.

Hơn nữa, với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, VEPR dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6-6,3%. 

{keywords}
Nền kinh tế cần nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực

Có thể khôi phục theo mô hình chữ V

Tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020) mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một phần điều tra đặc biệt của Báo cáo PCI 2020 về tác đông của Covid-19 đến doanh nghiệp.

Theo VCCI, mặc dù việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã thành công trong năm 2020, nhưng tác động tới nền kinh tế Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát đến quá trình thực hiện giãn cách xã hội, là rất nặng nề.

Báo cáo PCI cho thấy, mặc dù chính quyền đã rất nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng bằng nhiều chính sách hỗ trợ, song các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách này; trong khi đó, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế hồi phục, bởi cú sốc từ khủng hoảng là rất lớn.

Tuy nhiên, không như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, các cuộc khủng hoảng do phong tỏa kinh tế có thể đảo chiều gần như ngay lập tức. Trên thực tế, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể khôi phục theo mô hình chữ V, ngay khi các quan hệ chuỗi cung ứng được khôi phục và người lao động được tái tuyển dụng trở lại.

Theo VCCI, năm 2021, thị trường có thể hồi phục nhanh chóng khi người tiêu dùng trở lại các nơi công cộng và nhu cầu hàng hóa tăng lên. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể an tâm bởi một thực tế là những nỗ lực kiểm soát dịch của Chính phủ đã được nhìn nhận về tính hiệu quả, do đó nếu kịch bản dịch tái bùng phát hoặc một khủng hoảng khác xảy ra, các biện pháp điều hành của Chính phủ sẽ được người dân và doanh nghiệp đồng thuận cao và cùng chia sẻ.

VEPR lưu ý: Trong bối cảnh thương mại quốc tế của Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc về khu vực FDI, đứng trước các nguy cơ tiềm ẩn của việc phụ thuộc thương mại, Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hoá các nguồn FDI. Tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu và sự kiện tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez vừa qua là bằng chứng cho thấy cấu trúc mỏng manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời đại các nền kinh tế đan xen, Việt Nam cần có các bước tiến thận trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc và các nước trong khu vực vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá nguồn FDI, cũng như mở rộng khả năng sản xuất để tồn tại trong thế giới hội nhập.

Theo VEPR, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Hà Duy

Quý I/2021, bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng mới

Quý I/2021, bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng mới

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước.