Đối mặt những khó khăn và thách thức chung, trong năm 2020 Việt Nam đã tổ chức thành công hàng loạt sự kiện trực tuyến lớn, quan trọng mang tầm vóc quốc tế và khu vực chưa có tiền lệ trong lịch sử như: Chuỗi hàng chục sự kiện năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37; Hội nghị thượng định lần thứ 41 của Hội đồng liên nghị viện ASEAN; ITU Digital World 2020.

Góp phần vào thành công chung đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia an toàn, an ninh mạng đến từ đơn vị nghiệp vụ các bộ: TT&TT, Công an, Quốc phòng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh mạng cho các sự kiện một lần nữa thể hiện được trách nhiệm và vai trò, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. 

{keywords}
Các biện pháp quyết liệt của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã mang lại hiệu quả. Ảnh minh họa

Việc tất cả bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai cơ bản Trung tâm giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng (SOC) và kết nối kỹ thuật với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC là một bước tiến mới trong công tác bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, khi hoàn thành việc triển khai mô hình 4 lớp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Triển khai Trung tâm SOC giúp cho các bộ, ngành và địa phương có thể chủ động trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm/dịch vụ SOC.

Chiến dịch rà quét và xử lý mã độc toàn quốc năm 2020 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng và doanh nghiệp quốc tế triển khai.

Được triển khai thông qua website https://khonggianmang.vn/chiendich2020 trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2020, Chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến trung ương.

Không những nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng Internet Việt Nam, Chiến dịch  đã đạt được mục tiêu đề ra là giảm 50% tỉ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet.

Theo thống kê, nếu vào năm 2015 tỉ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa mới chỉ đạt 5%. Đến năm 2019, tỉ lệ này tăng lên 55%. Một dấu mốc rất lớn của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng nước ta năm 2020 là Việt Nam đã làm chủ hơn 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam.

Các biện pháp quyết liệt trong năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã mang lại hiệu quả và biến chuyển rõ rệt. 

Theo những chuyên gia NCSC, các hình thức lừa đảo trực tuyến là một hình thức tấn công mạng phổ biến và lâu đời. Tuy nhiên, trong năm 2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch của Chính phủ, hầu hết mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều được thực hiện qua không gian mạng, hoạt động lừa đảo qua hình thức này ngày càng gia tăng, nhất là thủ đoạn đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo. 

Năm 2020 khi thế giới đang đối phó với một loại virus mang tên Covid-19, trên không gian mạng các nhóm tin tặc trên khắp thế giới cũng hoạt động rất tích cực.

Hàng loạt sản phẩm, phần mềm, ứng dụng phổ biến được công bố các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật nguy hiểm. Các nhóm tin tặc khác nhau đã lợi dụng những lỗ hổng bảo mật này để tiến hành nhiều chiến dịch tấn công mạng quy mô khác nhau. Trong đó, Việt Nam không là ngoại lệ khi phát hiện và ngăn chặn hàng loạt chiến dịch tấn công có chủ đích lớn.

Bảo Phùng, Thái An