Đó là một phần trong cuộc điều tra về việc các công ty thống trị ngành công nghệ có các hànhđộng chống cạnh tranh hay không. Và chuyến đi của Zuckerberg cho thấy hãng này có vẻ như đang lo lắng.
Áp lực từ quốc hội Mỹ chỉ là một ví dụ về việc chống lại sức mạnh của Facebook từ phía các nhà cầm quyền. Facebook đang phải đối mặt với các khoản phạt, các quy định và thậm chí kêu gọi giải tán. Nhưng không dễ để các nhà quản lý và chính trị gia có thể kìm bớt vị trí thống trị của Facebook trong các lĩnh vực tài chính, chính trị và xã hội.
Vào mùa hè năm 2019, Facebook đã bị Uỷ ban thương mại Mỹ (FTC) phạt 5 tỷ đô, và khoản tiền phạt 100 triệu đô từ Ủy ban Chứng khoán về vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica. Facebook cũng có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ đồng ở châu Âu vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu.
Nhưng Facebook đã kiếm được 16,6 tỷ đô la từ quảng cáo trong ba tháng tính đến 30/6/2019. Vì vậy, khoản tiền phạt khổng lồ đó cũng không thấm tháp gì. Tuy nhiên, những khoản phạt này có thể là một phép thử sức mạnh của Facebook mà các chính phủ đang thực hiện.
Bên cạnh Quốc hội, FTC, Bộ Tư pháp và một số nhà làm luật đang điều tra các công ty công nghệ lớn, bao gồm cả Facebook, về các vi phạm có thể xảy ra. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh cũng đang thực hiện một nghiên cứu thị trường vào các nền tảng trực tuyến và ngành quảng cáo kỹ thuật số. Tại Đức, Facebook đang vướng vào một vụ chống độc quyền. Các báo cáo cho thấy các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU quan tâm đến việc xem xét kỹ lưỡng về tiền điện tử Libra mới ra mắt gần đây.
Tuy nhiên, không chỉ sự độc quyền của Facebook làm các chính trị gia lo lắng. Các nghị sĩ từ một số nước gồm Argentina, Canada, Chile, Estonia, Đức, Ireland, Singapore, Ecuador, Mexico, Morocco, Trinidad và Tobago, và Vương quốc Anh hiện thường xuyên tham gia các cuộc họp của Ủy ban quốc tế (International Grand Committee). Mục tiêu của họ là kiểm tra tác động của truyền thông xã hội, và đặc biệt là Facebook, đối với nền dân chủ.
Facebook hiện là phương tiện chính cho quảng cáo và nhắm mục tiêu chính trị. Công ty đã đưa ra các quy tắc chặt chẽ hơn và gần đây đã gỡ xuống một quảng cáo của Đảng Bảo thủ Anh vì vi phạm luật. Nhưng hiện nay có một số quốc gia yêu cầu điều chỉnh quảng cáo chính trị trên mạng xã hội thay vì dựa vào các quy tắc nội bộ của Facebook. Trên thực tế, chính Zuckerberg đã kêu gọi thiết lập luật pháp trong lĩnh vực này.
Các quy tắc mới đã được giới thiệu trong năm nay tại Úc và Canada. Trong khi đó, chính phủ Anh vẫn chưa thực hiện các đề xuất từ Văn phòng nội các.
Nhiều quốc gia, bao gồm Úc, Ấn Độ và Singapore đã phát triển các biện pháp mới để loại bỏ nội dung tội phạm hoặc khủng bố và thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Một số chính phủ khác đang xem xét vấn đề này. Đây là một lĩnh vực phức tạp bởi những câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để xác định tài liệu vi phạm, những quy trình nào có thể được đưa ra để tôn trọng quyền con người.
Nhiều nhà bình luận cho rằng Facebook cần phải làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này không phải chỉ vì lợi ích tài chính của hãng. Facebook đang hưởng lợi từ những thông tin giả được người dùng, tổ chức truyền thông và những nơi đưa tin lệch lạc đăng tải.
Facebook nên trả tiền để giải quyết những ‘rác rưởi' do nền tảng của họ tạo ra. Do đó, một số quốc gia đang thảo luận về thuế và thuế tăng cường.
"Lạm dụng khai thác"
Vấn đề lớn hơn là vấn đề mà các cuộc điều tra đang hướng tới. Đó là thực tế, cùng với Google, Facebook chiếm lĩnh phần lớn quảng cáo trực tuyến và đặc biệt là quảng cáo trên thiết bị di động. Nếu bạn muốn quảng cáo trực tuyến, bạn bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hãng này. Văn phòng liên bang Đức đã gọi sự kết hợp dữ liệu người dùng của Facebook được lấy từ nhiều nguồn khác nhau là sự "lạm dụng khai thác" nhờ vào vị trí thống trị của mình.
Khó khăn nằm ở bản chất các công ty công nghệ lớn có xu hướng luôn thu hút người dùng. Giải pháp có thể là buộc Facebook phải bán các ứng dụng mạng xã hội khác là WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger để không có quá nhiều nguồn dữ liệu về người dùng.
Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc đã nhấn mạnh, một vấn đề quan trọng khác là thực tế hoạt động kinh doanh của công ty được tích hợp theo chiều dọc. Điều này có nghĩa là họkiểm soát các phần khác nhau của ngành quảng cáo. Đó thực sự là một mạng truyền thông xã hội, một công ty phân phối truyền thông, một công ty mua phương tiện truyền thông, một sàn giao dịch quảng cáo và một công ty phân tích dữ liệu. Vì lý do này, một số ý kiến cho rằng việc tách cấu trúc các chức năng nội bộ của Facebook có thể là một biện pháp mạnh mẽ hơn.
Nguyễn Huyền theo Popsci