Đắk Nông hiện có 40 dân tộc cùng chung sống, trong đó hơn 212.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 31% dân số toàn tỉnh. Bằng các chương trình, mục tiêu, Đắk Nông phấn đấu bình quân hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Cả xã hội cùng vào cuộc

Trong nhưng năm qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp, ngành và địa phương tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả bằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

Đắk Nông phấn đấu bình quân hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Qua đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống 6,98% năm 2020, (trong 5 năm giảm 12,28%, bình quân mỗi năm giảm trên 2,4%, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông). Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã được tăng cường.

Các chính sách giảm nghèo được các ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, nhiều địa phương có cách làm hiệu quả. Các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ các điều kiện để cải thiện thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cuộc sống theo hướng toàn diện. Hộ thoát nghèo bền vững tiếp tục được tiếp sức, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững vẫn là bài toán khó khi toàn tỉnh còn 18.290 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 12.789 hộ, chiếm 27,98% số hộ dân tộc thiểu số; hộ cận nghèo là 10.929 hộ, chiếm 6,69%.

Công tác giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao hơn mức bình quân chung của khu vực Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới cao.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua chủ yếu là do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiên tai và dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Dân di cư tự do dù đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn lượng lớn hộ dân di cư đến từ những năm trước chưa được bố trí ổn định. Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đầu tư đúng mức cho công tác giảm nghèo bền vững. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo còn hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chưa đa dạng, phong phú, hiệu quả chưa cao.

Một bộ phận cán bộ làm công tác giảm nghèo năng lực hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên chia sẻ thông tin thực hiện và trong kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Diệu Bình, Hồng Kiên, Lê Hạnh