Khá nhiều người dùng hiện nay đang lo lắng về việc các thiết bị trong hệ sinh thái nhà thông minh (smart home) có thể bị lợi dụng như là công cụ thu thập dữ liệu cho các công ty sản xuất chúng. Những lo ngại này có nguyên nhân xuất phát từ một bài viết mới đây của hãng tin Bloomberg, cho biết một số nhà thầu thiết bị tại Ấn Độ và Romania khai nhận họ đã được đút lót một số tiền để cung cấp các cảnh quay lén trong nhà được thu thập từ các camera an ninh Amazon Cam Cloud. Các nhà thầu khẳng định đa số các video đều vô hại, tuy nhiên có một vài video lại "vô tình quay được cảnh giường chiếu trong nhà của người dùng".
Vào năm ngoái, vấn đề này cũng từng được đem ra mổ xẻ và tranh luận gắt gao, khi The Intercept báo cáo rằng các nhân viên ở Ukraine thuộc một công ty sản xuất camera do Amazon sở hữu đã có thể có những hành vi truy cập trái phép vào các đoạn video được quay lại hay phát trực tiếp từ camera của các hộ gia đình sử dụng.
Vậy, các nhà sản xuất camera an ninh kết nối internet có đang thực sự rình mò cuộc sống riêng tư của khách hàng? Và tại sao họ phải làm như vậy?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi đa phần các nội dung liên quan đến quyền riêng tư của người dùng sẽ được nhà sản xuất khéo léo viết bằng những câu từ khó hiểu, hay những mục chú thích nhỏ và để nó nằm ở đâu đó trong chính sách bảo mật và điều khoản dịch vụ của họ. "Ngay cả khi đó, các công ty sẽ có xu hướng mập mờ và gây khó hiểu", Justin Brookman, trưởng phòng chính sách và bảo mật công nghệ của tờ Consumer Report, chia sẻ. "Họ hoàn toàn không có nghĩa vụ về pháp lý để phải giải thích cho bạn họ đã làm gì với dữ liệu của bạn".
Nhiều chuyên gia máy tính cho rằng, các nhà sản xuất camera, loa thông minh và các thiết bị hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có những lý do chính đáng để khai thác những bản ghi âm từ người dùng, kể cả âm thanh hay hình ảnh. Đây là nguồn tài nguyên cực kỳ quý giá, đóng vai trò là các yếu tố đầu vào mà các hệ thống máy học cần có để phát triển.
"Bất kỳ một hệ thống AI hay máy học nào cũng cần phải được huấn luyện để có thể nhận diện được con người, từ ngữ và các đối tượng", giáo sư Anil Jain, công tác tại đại học Michigan State, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực thị giác máy tính (computer vision), cho biết. "Để làm được điều này, cần phải có một lượng lớn và đa dạng các dữ liệu cung cấp cho hệ thống AI". Tất nhiên, quy trình đào tạo hệ thống AI không thể nào thiếu vắng bàn tay của con người, họ sẽ có nhiệm vụ chắt lọc các thông tin và dữ liệu đầu vào nhằm đảm bảo AI sẽ "học" và làm đúng theo yêu cầu của người tạo ra chúng. "Sẽ luôn có yếu tố con người ảnh hưởng trong một số giai đoạn phát triển hệ thống nhất định", ông nói thêm.
Câu trả lời từ các nhà sản xuất
Amazon, tâm điểm của các cuộc điều tra gây chú ý gần đây, giải thích rằng các công ty chi nhánh hoặc liên kết với họ chỉ có thể xem xét các video mà người dùng tự nguyện gửi để khắc phục sự cố: "Chúng tôi thật sự nghiêm túc với vấn đề quyền riêng tư, và khách hàng sử dụng Cloud Cam nắm toàn quyền kiểm soát các đoạn video an ninh của họ", người đại diện của công ty viết trong email.
Chẳng hạn, người dùng có thể gửi video clip báo cáo lỗi liên quan đến Cloud Cam xác định có người trong phòng khách của họ, nhưng thực tế lại không có ai. Trong trường hợp đó, các chuyên viên của công ty sẽ xem qua video và sử dụng nó để cải thiện thuật toàn trí tuệ nhân tạo.
Tương tự Amazon, một số nhà phát triển camera AI như Google, Ring khẳng định rằng chỉ có một số nhân viên nhất định đủ thẩm quyền mới được phép truy cập vào cảnh quay tại nhà, trong những trường hợp cụ thể.
Đại diện Google cho biết, chỉ có một số video từ các camera Nest của công ty được xem xét để cải thiện hệ thống AI, tuy nhiên những video này đều được mọi người đóng góp một cách tự nguyện thông qua"một chương trình đóng góp video riêng biệt, cho phép chúng tôi có quyền sử dụng dữ liệu từ chúng với mục đích cải tiến sản phẩm".
Tại Ring – một công ty con của Amazon – chuyên về lĩnh vực smarthome, các nhân viên có thể xem qua các bản ghi do người dùng chia sẻ công khai thông qua"một ứng dụng của công ty với giấy chấp thuận đã được nhóm người này ký tên". Khách hàng sẽ "trao đổi trực tiếp với đại diện của Ring, nhận thức được rằng Ring đang sử dụng video của họ phục vụ cho mục đích phát triển", người đại diện cho biết. "Các video sẽ được được nhân viên phân tích nhằm khắc phục sự cố, cung cấp bản sao cho người dùng, cải thiện dịch vụ, hay tuân thủ các yêu cầu pháp lý".
Các nhà sản xuất gồm Arlo, D-link, Tp-link, Honeywell Home và Samsung đều từ chối cung cấp thông tin. Tuy nhiên điều khoản dịch vụ của Arlo có ghi rõ rằng họ không cho phép nhân viên của mình truy cập vào dữ liệu video của người dùng "mà không có sự cho phép, trừ khi bị yêu cầu bởi luật pháp", hay trong trường hợp người dùng đã công khai đoạn video từ trước. Trong khi đó, các chính sách và điều khoản bảo mật của D-Link và TP-link không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về vấn đề họ có truy cập vào dữ liệu video của người dùng hay không, và nếu có thì ai sẽ có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu này.
Về phía Honeywell Home và Samsung, những câu từ mơ hồ trong điều khoản dịch vụ và chính sách quyền riêng tư của họ cho thấy các công ty này có quyền hợp pháp để xem video camera của người dùng. Trong cính sách bảo mật của Honeywell Home có đoạn: "Công ty có quyền sử dụng các clip âm thanh và video để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi".
"Rất khó để chúng ta thật sự có thể hiểu được sự vận hành của thế giới công nghệ ở thời điểm hiện tại", Brook man cho biết. "Tuy nhiên, tin tốt là một số công ty công nghệ đã dần rõ ràng hơn về vấn đề quyền riêng tư của người dùng sau những tiêu cực gây chú ý trong thời gian gần đây".
Quang Minh