Nhiều địa phương khó khăn phấn đấu đạt 50%
Là một tỉnh khó khăn ở miền núi phía Bắc, tuy nhiên trong năm 2023 vừa qua, công tác truyền thông chính sách về BHXH, BHYT cho tới phổ biến công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai hết sức sôi nổi và thu được những thành quả khả quan.
Với bảo hiểm y tế (BHYT), Yên Bái bất ngờ vươn lên là một trong số ít địa phương đạt tỉ lệ phủ BHYT ở mức cao nhất cả nước: 96%. Với công tác đền ơn đáp nghĩa, chi trả trợ cấp hay lương hưu không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội cũng thu được những thành quả bước đầu hơn 37%.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2024, thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho 50% tổng số đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Trong đó phấn đấu mỗi năm tăng thêm trên 5% tổng số đối tượng được chi trả không dùng tiền mặt trên tổng số người có công với cách mạng và đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng.
Tại Phú Thọ, từ quý I/2024 địa phương mới thực hiện chi trả chế độ chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhưng đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 50% ngay trong năm đầu triển khai. Còn tại tỉnh mới thành lập Đắk Nông, địa phương đang triển khai thực hiện thí điểm việc chia trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP Gia Nghĩa từ tháng 6/2023.
Với hơn 900 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, hiện đã có trên 300 đối tượng nhận chi trả không dùng tiền mặt. 104/320 đối tượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng cũng đã nhận chi trả qua tài khoản thanh toán. Dù tỉ lệ chi trả mới chỉ đạt khoảng 30%, nhưng địa phương cũng rất quyết tâm chi trả không tiền mặt đạt 50% vào cuối năm 2024 tới.
Tại tỉnh miền núi Tây Bắc Điện Biên, toàn tỉnh hiện có trên 36.000 đối tượng được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Theo lộ trình, đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh sẽ thực hiện chi trả cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội và người có công trên địa bàn tỉnh qua tài khoản ngân hàng song đến tháng 12/2023 này mới bao phủ đạt tỉ lệ khoảng 50%.
Không đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, để mỗi chính sách đi vào cuộc sống thì vai trò của truyền thông đi trước, vai trò của các chủ thể liên quan phải chủ động thay đổi. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu thế tất yếu bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cho cả người thụ hưởng chính sách cũng như phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Do đó, việc thực hiện thanh toán chế độ BHXH, trợ cấp BHTN, trợ cấp an sinh xã hội… đang đẩy mạnh. Công tác thu nộp BHXH, BHYT trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng được mở rộng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Thực tế, bất cập lớn nhất trong việc chi trả tiền dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt hiện nay ở nhiều địa phương chính là hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nếu như trước đây, thanh toán bằng tiền mặt, nhân viên bưu điện văn hóa xã thông báo lịch chi trả tiền hàng tháng, đến hẹn, người dân đến trụ sở ký nhận tiền. Nhưng nay chuyển sang chi trả không dùng tiền mặt, tại các xã vùng cao chưa có cây ATM để người dân rút tiền.
Mặc dù phương thức chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng được tiếp cận, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin và được nhận trợ cấp thuận tiện, nhanh chóng, đúng, đủ, kịp thời; tiết kiệm thời gian đi lại; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện chi trả trợ cấp hiện nay.
Trong khi đó, việc đưa được người dân các vùng khó khăn chuyển sang các hình thức thanh toán không tiền mặt (qua các app của ngân hàng, các ví điện tử, Mobie Money…) dù đã được phổ biến nhưng không phải người cao tuổi, người thụ hưởng chính sách, người có công với cách mạng (đa phần là người cao tuổi) nào cũng có thể sử dụng. Nhiều địa phương miền núi đang bị “tắc” ở vấn đề này dù các tổ công nghệ số cộng đồng đang hoạt động tích cực, tỉ lệ 50% được nhiều địa phương đặt ra được coi là… tham vọng!