Hôm 7/6, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế”, 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm, tuy nhiên xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng nông sản tăng cả về giá trị và lượng như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều.

Bước sang năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định: kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng dương như sang Hoa Kỳ (tăng 23,9%), Trung Quốc (tăng 8,6%), Nhật Bản (tăng 6,6%) và cùng với đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong ngành nông nghiệp cũng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như: cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%), gạo đạt 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%), rau quả đạt 2,59 tỷ (tăng 28,1%), tôm đạt 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%)…

W-luagao.png
Các FTAs đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan

“Với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 16 FTA song phương và khu vực đã ký kết và đang thực thi với nhiều đối tác trên thế giới mà đặc biệt là CPTPP, EVFTA, liên tiếp trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Các FTAs đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan, đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá.

Thực tế, cùng đồng hành với những nỗ lực của các doanh nghiệp, trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các Bộ ngành đã phê duyệt, triển khai nhiều chính sách, đề án quan trọng và cấp thiết để thúc đẩy sản xuất, chế biến, và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Những đề án này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông tin thêm: Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất cả nông, lâm và thuỷ sản. Sản lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như năm 1990, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD, đến nay đã vượt mốc 53 tỷ USD/năm.

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu; thứ hai thế giới về cà phê và lớn thứ ba về gạo. Thuỷ sản Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc khi vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để tham gia chuỗi cúng ứng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. 

Nhóm PV