Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính - Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc các doanh nghiệp sữa luôn báo lỗ và lấy đó làm lý do để tiếp tục điều chỉnh giá sẽ được xem xét theo hướng có hiện tượng chuyển giá hay không.

Sau gần 1 năm nằm ngoài vòng kiểm soát bởi việc xác định tên gọi giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế, giá sữa đã được đưa vào “vòng kiểm soát” bằng Thông tư số 30 về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi do Bộ Tài chính ban hành. Cơ quan quản lý cũng tỏ rõ sự quyết tâm quản lý giá sữa với hàng loạt văn bản được ban hành yêu cầu các doanh nghiệp kê khai các chi phí xác định giá cùng cam kết xử lý doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý. Người tiêu dùng hy vọng sự kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp giá sữa ổn định, tuy nhiên sự kỳ vọng đã bị các hãng sữa dập tắt bằng việc tiếp tục tăng giá bán.

{keywords}

Giá sữa tăng xóa bỏ kỳ vọng của người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Ngay trong tháng 12, các đại lý cho biết, sữa Mead Johnson đã tăng giá thêm 7%. Cụ thể sữa Enfa Grow 3A+ tăng 54.000 đồng từ 781.000 đồng lên 835.000 đồng/hộp 900g, sữa EnfaMamaA+ Vanilla DHA power plus từ 192.000 đồng tăng lên 205.000 đồng/hộp 400g. Sữa EnfaMil A+ tăng 35.000 đồng đẩy giá bán lẻ lên 534.000 đồng/hộp. Đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm Mead Johnson tại Việt Nam cho biết lý do tăng là bởi hãng có điều chỉnh tăng.

Trước câu hỏi vì sao được kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều văn bản nhưng giá sữa vẫn liên tục tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Hầu hết các hãng sữa ngoại đều kêu lỗ để tăng giá. Việc kê khai lỗ này được các doanh nghiệp nước ngoài báo cáo với Sở và Bộ KH-ĐT. Bởi vậy, bài toán đặt ra là tại sao lại có hiện tượng kêu lỗ. Hay giá tại tờ khai hải quan không trung thực”.

“Vì sự bất hợp lý này, chúng tôi đang đặt ra nghi vấn chuyển giá của các doanh nghiệp sữa. Chuyển giá có 2 góc độ, chuyển giá cao và chuyển giá thấp. Chuyển giá cao tạo ra lỗ giả để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, còn đẩy giá xuống là để tránh thuế nhập khẩu. Hai cái này đều là hành vi chuyển giá, có thể lên hoặc xuống, tùy từng mục đích để doanh nghiệp có lợi nhất”, ông Tuấn phân tích.

“Với doanh nghiệp sữa, chúng tôi cho rằng hướng chuyển giá ở đây là đẩy giá lên cao, vì qua nắm tình hình, doanh nghiệp luôn báo lỗ và vin vào đó để tiếp tục điều chỉnh giá. Nhưng theo chúng tôi, so sánh với giá nước ngoài, thì giá bán sữa chắc chắn đã đủ lãi rồi, không thể nói là lỗ được. Chính vì thế nên phải có đánh giá, phối hợp chặt chẽ và xác định trách nhiệm của từng cơ quan thì mới có thể có được giá sữa phù hợp”.

Đại diện Cục Quản lý giá nhận định, cái khó trong việc xác định giá gốc của doanh nghiệp nhập khẩu sữa là do độ tương thích để so sánh rất khó khăn. Các dòng sữa ở các quốc gia khác nhau, hàm lượng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng cũng khác nhau. Hơn nữa, việc khai thác các dữ liệu từ công ty mẹ là rất khó.

Theo Bộ Tài chính, năm 2014 nhiệm vụ chống chuyển giá sẽ được triển khai quyết liệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng chỉ ra rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia, thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Vấn đề là tiếp cận để quản lý tốt, vừa thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, vừa đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ: “Ngành Giá chúng tôi rất hy vọng vào quyết tâm của Bộ Tài chính về công tác chống chuyển giá trong năm 2014. Nếu làm tốt công tác chống chuyển giá thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”.

Theo ANTĐ