Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), việc khai thác 3 loại nguyên liệu thô là dầu thô, khí tự nhiên và than ngày càng khó khăn hơn và Việt Nam đang gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này trong những năm gần đây.

Cụ thể, với dầu thô, nếu như năm 2016 sản lượng khai thác đạt 15,2 triệu tấn từ nguồn trong nước thì năm 2020 đã giảm xuống còn 9,43 triệu tấn.

{keywords}
Từ 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng lên trong dài hạn.

Tương tự, khai thác khí cũng giảm nhanh, từ mức 12,18 triệu tấn năm 2016 xuống còn 9,33 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, lượng than nhập khẩu về Việt Nam giai đoạn từ năm 2015-2019 tăng mạnh, từ 7-44 triệu tấn.

Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức, do đó, chủ đề an ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

Ông dẫn chứng, hiện nay trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là xuất khẩu dầu khí), còn lại là nhập khẩu và tự túc trong việc đảm bảo năng lượng. Trong đó, hơn 80% các nước có thu nhập thấp đều phải nhập khẩu năng lượng.

Đáng chú ý, gần 3/4 các quốc gia có thu nhập trung bình thấp có thời gian mất điện trung bình là hơn 24 giờ/tháng; khoảng 1/6 các quốc gia có thu nhập thấp thời gian mất điện trung bình là 144 giờ tương ứng khoảng 6 ngày/tháng…

Từ thực tế sản xuất và tiêu dùng năng lượng của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng từ năm 2007 đến nay, mục tiêu bảo đảm năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn…

Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Ví dụ, các chỉ tiêu về trữ lượng sản xuất than, dầu khí ngày càng giảm; chỉ tiêu về sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng

Từ 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng lên trong dài hạn. Các mối đe dọa lên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn và hiện hữu….

Bộ Công Thương cũng cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; Tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn.... Những yếu tố này cho thấy, các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.  

Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao

Chính vì vậy, ngày 30/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136 về phát triển bền vững. Mục tiêu số 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 có nội dung về bảo đảm an ninh năng lượng, cụ thể là: Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

Đối với Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Diệu Bình