Facebook và Google là 2 công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất trên thế giới, hiện diện tại hàng chục quốc gia. Tuy nhiên vấn đề đánh thuế 2 công ty này cũng khiến các nhà làm luật gặp nhiều khó khăn.
Bằng những phương thức luồn lách như đặt văn phòng đại diện và mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ, những công ty công nghệ này chỉ phải đóng những khoản thuế rất nhỏ so với doanh thu của họ.
Năm 2017, Facebook đóng thuế 15,8 triệu bảng tại Vương quốc Anh, tương đương 1% của doanh thu kỷ lục 1,3 tỷ bảng. Doanh thu tăng hơn 50% nhưng lợi nhuận trước thuế do Facebook khai báo chỉ tăng 6%.
Mức thuế rất thấp này khiến cho bà Margaret Hodge, thành viên Quốc hội Vương quốc Anh, bức xúc. “Thật không thể chấp nhận là Facebook chỉ đóng thuế 0,62% doanh thu của họ tại Anh”, bà Hodge viết trên Twitter.
Nhiều quốc gia đưa ra đề xuất thuế mới
Facebook không phải công ty duy nhất đóng thuế rất thấp so với doanh thu tại Anh. Năm 2017, Amazon đóng 4,5 triệu bảng tiền thuế trên doanh thu 8,7 tỷ bảng. Google đóng 49,3 triệu bảng thuế trong khi doanh thu 5,7 tỷ bảng. Apple cũng chỉ đóng 10 triệu bảng trong doanh thu 1,2 tỷ bảng Anh.
Cuối năm 2018, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thảo luận về đề xuất đánh thuế 3% đối với doanh thu của các công ty Internet. Tuy nhiên đề xuất này đã không được thông qua khi một số quốc gia như Ireland, Thụy Điển và Đan Mạch phản đối.
Dù vậy, vấn đề đánh “thuế điện tử” đối với các gã khổng lồ công nghệ tiếp tục được đưa ra bàn luận tại nhiều quốc gia từ đầu năm 2019. Pháp - quốc gia đi đầu trong đề xuất đánh thuế năm 2018 - đã công bố mức thuế 3% đối với các công ty Internet vào tháng 3/2019.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mức thuế với các công ty Internet sẽ đem về thêm khoảng 500 triệu euro mỗi năm cho Pháp. Ảnh: Getty. |
Theo đó, mức thuế này sẽ được áp dụng với khoảng 30 công ty lớn, trong đó có cả Google, Amazon và Facebook. Mức thuế được áp dụng với tất cả những công ty có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro, và doanh thu tại Pháp trên 25 triệu euro.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mức thuế mới sẽ đem về thêm khoảng 500 triệu euro mỗi năm cho Pháp.
Theo CNBC, nhiều quốc gia khác tại châu Âu như Anh, Đức và Tây Ban Nha cũng đang nghiên cứu để đưa ra mức thuế điện tử đối với những gã khổng lồ Internet.
Vào tháng 4/2019, Cục Thuế Australia (ATO) cho biết các điều khoản mới về chống trốn thuế sẽ buộc các công ty đa quốc gia phải chịu trách nhiệm thuế với khoảng 7 tỷ USD doanh thu được chuyển thành lợi nhuận cho các trụ sở đặt ở nước ngoài.
Đại diện ATO cho biết cơ quan này cũng cân nhắc mức phạt lên tới 40% đối với các hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 1 tỷ USD.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng chính sách thuế của nước này không công bằng khi bỏ qua những công ty đa quốc gia. Ảnh: Getty. |
Trước đó, vào tháng 2/2019 Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng cho biết nước này đang nghiên cứu mức thuế cao hơn với các công ty Internet. Mức thuế này sẽ được tính dựa trên doanh thu chứ không phải lợi nhuận của các công ty này tại New Zealand, rơi vào khoảng 2-3% doanh thu.
Chính phủ New Zealand ước tính mức thuế mới sẽ đem về 30-80 triệu USD cho ngân sách mỗi năm. “Một số công ty làm ăn lớn tại New Zealand nhưng không bị đánh thuế đối với lợi nhuận mà họ kiếm được. Đây là điều không công bằng và không được phép tiếp tục”, bà Ardern cho biết.
Từ năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra đề xuất về mức thuế chung cho 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dựa trên đề xuất này, Facebook và Google sẽ chịu cùng một mức thuế tại nhiều nước phát triển. Tuy nhiên phải đến năm 2020, OECD mới có thể đưa ra kế hoạch chi tiết.
Giải pháp nào để trị những gã khổng lồ né thuế?
Ngày 9/6, các lãnh đạo tài chính của khối G20 đồng ý soạn thảo bộ quy tắc chung để ngăn ngừa những “lỗ hổng” mà các đại gia công nghệ toàn cầu đang lợi dụng để né thuế.
Theo phân tích của Công ty tư vấn tài chính Standard & Poor’s, trong giai đoạn từ 2007-2015, thuế suất thực tế (tỷ lệ thuế đóng trên lợi nhuận) chi trả tại Mỹ của 500 công ty có giá trị cao nhất là 27%.
Tuy nhiên, Apple chỉ đóng thuế bằng 17% lợi nhuận, Alphabet (công ty mẹ của Google) trả 16%, Amazon trả 13%. Con số này ở Facebook thậm chí còn thấp hơn, chỉ vỏn vẹn 3,8%.
Năm 2017, Amazon của tỷ phú Jeff Bezos hầu như không trả một đồng thuế liên bang nào tại Mỹ. Ảnh: Fortune. |
Năm 2017, lợi nhuận tại Mỹ của Amazon là hơn 5,6 tỷ USD, nhưng công ty này hầu như không trả một đồng thuế liên bang nào, một phần nhờ khoản khấu trừ lớn khi phát hành cổ phiếu cho nhân viên.
Thậm chí ở các nước khác, sự chênh lệch giữa lợi nhuận và thuế còn lớn hơn. Năm 2016, Apple trả 2 tỷ USD tiền thuế trong khi kiếm được 41 tỷ USD lợi nhuận, thuế suất thực tế chỉ khoảng 4,8%.
Các công ty này đều khẳng định luôn tuân thủ pháp luật và nộp thuế đúng hạn. Nhưng một báo cáo năm 2017 của Ủy ban châu Âu (EC) chỉ ra rằng số tiền thuế mà các công ty công nghệ nộp cho chính phủ các nước châu Âu chưa bằng một nửa các công ty truyền thống. Điều này càng khiến các chính phủ và doanh nghiệp khác bức xúc.
Guardian nhận định: “Các đại gia công nghệ lớn đang định hình lại xã hội và nền kinh tế toàn cầu, nhưng những đóng góp ít ỏi của họ chưa đủ để giúp các chính phủ thích nghi”.
Thực tế, những ông lớn công nghệ này đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia nhằm tránh nhiều khoản thuế khổng lồ một cách hợp pháp.
Chiến lược tránh thuế của họ là thực hiện những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con nhằm chuyển thu nhập đến các quốc gia có mức thuế thấp và chuyển chi phí đến các quốc gia có mức thuế cao. Chuyển giá (transfer pricing) cũng giúp ích không nhỏ đến quá trình này.
G20 đang xem xét 2 hướng giải quyết để “vá lỗ hổng” trong các quy định thuế. Ảnh: Quartz. |
Hiện tại, những “thiên đường thuế” thường được các hãng công nghệ lớn lợi dụng là Bermuda và đảo Cayman (thuế thu nhập doanh nghiệp 0%). Đặc biệt, Ireland cũng là quốc gia thu hút những công ty này bởi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 12,5%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, Ireland còn không tính thuế trên phí nhượng quyền các tài sản sở hữu trí tuệ trong vòng 15 năm đầu tiên hoặc vòng đời hữu ích của tài sản, tín dụng thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng lên tới 25%, hoàn toàn phù hợp với mô hình hoạt động của các công ty công nghệ.
Bởi những cơ chế này, G20 đang xem xét 2 hướng giải quyết để “vá lỗ hổng” trong các quy định thuế. Một giao dịch sẽ được đánh thuế dựa trên nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngay cả khi các công ty không có văn phòng ở đó.
Đây sẽ là cơ sở để khiến các ông lớn kinh doanh xuyên biên giới như Facebook và Google phải có trách nhiệm ở những thị trường đang nuôi sống họ.