Đức phạt tới 1.500 euro

Tại Đức, lực lượng cảnh sát giao thông có thể kiểm tra nồng độ cồn tại chỗ với bất kỳ tài xế có dấu hiệu nghi vấn nào. Trong lần vi phạm đầu tiên, tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg sẽ bị phạt 500 euro, trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý GPLX và bị cấm lái xe 1 tháng.

Tới lần vi phạm thứ 2, tài xế sẽ bị phạt 1.000 euro, trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý và treo bằng 3 tháng. Lần vi phạm thứ 3 có mức phạt 1.500 euro, tài xế cũng bị cấm lái trong 3 tháng. Một người dân Đức nếu bị trừ 8 điểm trên hệ thống quản lý GPLX sẽ bị tịch thu bằng lái và phải thi lại.

Những tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt mốc 1,1mg sẽ bị coi là phạm tội hình sự, có thể bị tước giấy phép lái xe 6 tháng hoặc thậm chí là suốt đời trong trường hợp gây hậu quả nghiệm trọng. Quy tắc về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ở Đức được áp dụng cho cả ô tô, xe máy, xe đạp.

Ảnh: The Sun

Nhật Bản có thể phạt tù tài xế uống một cốc bia

Nhật Bản là một trong những quốc gia có khung hình phạt nghiêm khắc nhất với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Những tài xế có nồng độ cồn trong máu ở mức từ 0,15mg/1 lít khí thở (tương đương 1 cốc bia) có thể bị quy vào lỗi "điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng không tỉnh táo". Hình phạt cho tội danh này là 500.000 yên và mức án tù có thể lên tới 3 năm.

Trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nghiêm trọng hơn, tài xế sẽ bị phạt 1 triệu yên và đối diện mức án 5 năm tù. Đặc biệt, các hành khách ở trong xe cũng sẽ bị xử phạt trong trường hợp này.

Mỹ phạt tù người vi phạm quy định nồng độ cồn từ lần thứ 2

Theo Reuters, giới hạn nồng độ cồn ở Mỹ được chia ra làm 2 hạng mục, áp dụng với người trên và dưới 21 tuổi. Giới hạn với người dưới 21 tuổi là 20 mg/100 ml máu, 80 mg/100 ml máu với người trên 21 tuổi.

Ảnh: NST

Sau khi phát hiện ra tài xế có biểu hiện vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát ở Mỹ có thể hỏi trực tiếp hoặc yêu cầu tài xế thực hiện một vài hoạt động thể hiện sự tỉnh táo. Để kết luận chính thức, cảnh sát sẽ dùng thiết bị cầm tay để đo nồng độ cồn của tài xế.

Dù có khác biệt nhất định, nhưng hầu hết các bang của Mỹ đều yêu cầu tạm giữ bằng lái và sẽ bị tạm giam tài xế cho tới khi được bảo lãnh. Kể từ lần vi phạm thứ 2, tài xế có thể bị phạt tù lên đến 60 ngày dù không gây hậu quả nghiêm trọng.

Dịch vụ lái xe hộ

Đức là một trong những quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn lớn nhất trên thế giới. Hầu hết tài xế đều chấp hành tốt quy định bởi mức xử phạt nghiêm ngặt của pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi cũng giúp người dân Đức có nhiều sự lựa di chuyển.

Tương tự với Đức, hệ thống giao thông công cộng hiện đại và ý thức người dân giúp cho tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại Nhật Bản không quá cao. Ngoài ra, dịch vụ lái xe hộ tại đất nước mặt trời mọc cũng khá phát triển.

Tại Mỹ, chính quyền một số bang còn khuyến khích các quán bar và nhà hàng mở dịch vụ đưa khách say về nhà an toàn. Một số bang cũng có quy định gắn thiết bị kiểm tra nồng độ cồn lên phương tiện cá nhân. Trước khi lái, tài xế sẽ thở vào thiết bị, nếu nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, động cơ sẽ không khởi động.