Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, kế hoạch này đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia diễn ra tháng 11/2020. Theo đó, 5 tỉnh của Việt Nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước sẽ hợp tác cùng một số địa phương có chung đường biên giới của Campuchia và Lào nhằm phát triển du lịch.

Việc hợp tác nhằm thực hiện 3 mục tiêu: tập trung hỗ trợ thúc đẩy đầu tư hạ tầng; kết nối tiềm năng du lịch, kết nối hình thành các tuyến điểm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch và cùng nhau xúc tiến quảng bá, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực này và lan tỏa ra các địa phương khác trong phạm vi ba nước.

Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, do dịch Covid-19 bùng phát nên sau 2 năm trì hoãn, nhân sự kiện Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” sẽ công bố kế hoạch này để các bên cùng hợp sức triển khai.

Nhà thờ gỗ nổi tiếng tại Kon Tum

Các địa phương thuộc Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đều có chung nguồn tài nguyên ở dạng nguyên sơ, cả về tự nhiên lẫn giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính những nét tương đồng này đã khiến cho 3 quốc gia, mà cụ thể là các tỉnh nằm ở khu vực Tam giác phát triển, có nhiều cơ hội kết nối, tạo nên tuyến du lịch “Ba quốc gia - một điểm đến”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT&DL Kon Tum, thông tin, các tour du lịch sang Lào, Thái Lan đã từng được phát triển, thu hút khá đông khách. Tuy nhiên, sau hai năm "đóng băng” vì dịch Covid-19, cửa biên giới tạm dừng hoạt động thì đến nay, Việt Nam cũng như các nước đã mở cửa, trong đó có hoạt động du lịch. Các tour, tuyến vì thế sẽ sớm được khôi phục trở lại.

Tỉnh Kon Tum của Việt Nam có đường biên giới dài hơn 292km, vừa giáp với Lào, vừa giáp với Campuchia với 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu phụ. Địa phương này cũng là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Việt Nam như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 40,…

Ngoài ra, tỉnh có nhiều tiềm năng lớn về phát triển du lịch, như các cánh rừng nguyên sinh gắn với các danh thắng nổi tiếng như Măng Đen (huyện Kon Plong), vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đắc Glei)… Nhờ địa hình cao, với khí hậu mát mẻ trong lành nên những năm gần đây, Kon Tum được đông đảo khách nội địa biết tới.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của các tộc người thiểu số; các di tích lịch sử, cách mạng cấp quốc gia; các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám Mục, Chùa Bác Ái... là điểm đến đến hấp dẫn du khách.

Ngoài Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu, tỉnh Kon Tum còn tổ chức nhiều sự kiện khác, trong đó chương trình khảo sát cho hơn 250 DN lữ hành từ TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng để tìm hiểm về cơ hội đầu tư về du lịch tại Kon Tum và Gia Lai; tổ chức khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch tại một số điểm đến thuộc tỉnh Gia Lai và Kon Tum; tổ chức bay khinh khí cầu; giải Dù lượn mở rộng huyện Sa Thầy;...

Đặc biệt, theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), một điểm nhấn đặc biệt là phiên chợ sâm Ngọc Linh, với sự tham gia của 44 gian hàng, trong đó trưng bày các sản phẩm sâm Ngọc Linh nổi tiếng, các loại dược liệu và sản phẩm đặc hữu khác. Phiên chợ cũng có một gian hàng trưng bày các loại sâm của cả nước để người tiêu dùng phân biệt được, song song với đó là một phiên chợ sâm trực tuyến diễn ra trong vòng 10 ngày.

Ngọc Hà