Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc duy trì cây xanh trong trường học là cần thiết đối với công tác giáo dục học sinh, sinh viên và môi trường nói chung. Trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học cần đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên nhưng không làm mất cân bằng sinh thái, đặc biệt góp phần duy trì mảng xanh của thành phố.

Các trường phối hợp với cơ quan chuyên môn cần rà soát, kiểm tra toàn diện tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng đảm bảo an toàn của xây xanh tại đơn vị (rễ, thân, cành, tán lá), có biện pháp xử lý với những cây có nguy cơ gãy, đổ gây mất an toàn.

Cây đổ ở Trường THCS Trần Văn Ơn làm 1 học sinh và 6 người bị thương (Ảnh: Như Sỹ)

Các trường có nhu cầu trồng cây xanh cần liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn tư vấn về chủng loại cây phù hợp để trồng; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây nguy hiểm.

Ngoài ra, các trường xây dựng kế hoạch với cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hằng năm, đặc biệt vào đầu năm học mới và trước mùa mưa bão. Công tác tự kiểm tra thực hiện thường xuyên. Cây xanh nằm trong khuôn viên trường học (đặc biệt, cây có kích thước lớn, cổ thụ), trường phải phối hợp đơn vị chuyên ngành chăm sóc, cắt tỉa đúng kỹ thuật để vừa đảm bảo an toàn nhưng vẫn đảm bảo sinh trưởng của cây.

Nhà trường cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tại địa phương khẩn trương rà soát, thay thế cây xanh tại trường không được phép trồng theo quy định. Trường cũng cần hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão khi sinh hoạt vui chơi, nơi có nhiều cây xanh, đặc biệt cây có kích thước lớn, cây cổ thụ.

Những năm gần đây, trước mùa mưa, một số cây xanh ở TP.HCM đã bật gốc gây nguy hiểm cho người dân. Cách đây 2 năm, một cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng cũng đổ đè 18 học sinh, trong đó 1 em tử vong. Gần đây nhất, cây điệp ở Trường THCS Trần Văn Ơn đổ khiến 1 học sinh và 6 người đi đường bị thương.