Các ứng dụng giao đồ ăn đã có ở thị trường Việt Nam. |
Mới ra mắt thị trường chưa lâu, dịch vụ đặt đồ ăn online của Grab (Grabfood) gần đây liên tục tung ra các mã giảm giá từ 40.000 – 80.000 cho khách mua đồ ăn qua Grabfood.
Ứng dụng giao đồ ăn Lala cũng thường xuyên có mã giảm từ 30% - 70% cho khách đặt đồ ăn, hoặc miễn phí ship cho khách mua. Với những chính sách khuyến mãi khủng như vậy thì người bán hàng rất có lợi vì sẽ bán được nhiều hàng. Còn các ứng dụng thì không có mục tiêu gì khác ngoài việc thu hút người dùng.
Anh Phạm Chí Công mở quán Café Bụi ở 271 đường Tân Sơn, quận Tân Bình, TP.HCM từ mấy năm nay. Ban đầu anh chỉ bán đồ uống tại quán theo phương thức bán hàng truyền thống, gần đây anh bắt đầu đăng ký bán thêm đồ uống trên 7 ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, bao gồm: Now, Lala, Vietnammm, Lixi, Loship, Grabfood và gần đây có thêm Go-Food và Zalofood bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng.
Quy trình đăng ký bán hàng trên các ứng dụng khá đơn giản, chủ shop cần ký hợp đồng với ứng dụng và đăng bán các món đồ ăn của mình trên các ứng dụng. Khi có khách mua hàng trên ứng dụng thì sẽ có thông báo về tài khoản của shop, sau đó shipper sẽ đến quán nhận đồ, trả tiền ứng trước cho chủ quán và đi giao cho khách. Mức hoa hồng mà chủ shop phải trả cho mỗi ứng dụng có mức khác nhau xê dịch từ 8-30%,. Ví dụ, Grabfood thu hoa hồng cao nhất từ 20-30%, còn Now thu hoa hồng rẻ hơn từ 8-15% tùy theo từng đơn giá của đồ ăn và thương hiệu. Còn các ứng dụng khác đều thu hoa hồng 20%. Cước giao hàng thì shipper sẽ tự thu của khách hàng theo quy định của mỗi ứng dụng ở từng thời điểm khác nhau.
Anh Công cho hay, từ khi mở thêm kênh bán hàng online trên các ứng dụng giao đồ ăn, mỗi ngày anh có thêm 3-4 đơn hàng online. Đặc điểm của khách online là ít khi mua lẻ một món, mà thường gọi nhiều món một lúc để tiết kiệm phí ship, do đó có thể nói đây là kênh bán hàng khá tiện lợi với nhiều chủ shop. Mặc dù tiền phí hoa hồng phải trả cho ứng dụng khá cao, nhưng đây là mức mà chủ shop vẫn có lời, vì bán online thì chủ shop sẽ tiết kiệm được một số chi phí khác so với bán ở tại quán.
Với các ứng dụng bán đồ ăn trực tuyến, theo anh Công, khuyến mãi là quan trọng nhất vì có khuyến mãi thì bán được hàng. Ưu thế thứ hai thuộc về các ứng dụng có nhiều shipper, giao nhanh, mỗi đơn giao đồ ăn mà khi từ khách đặt đến khi nhận được hàng chỉ nên ở khoảng thời gian dưới 30p thì khách sẽ thích hơn. Nếu thời gian giao quá lâu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn và khách hàng phải chờ đợi lâu mới được ăn họ sẽ không quay trở lại sử dụng dịch vụ nữa. Do đó, lợi thế cạnh tranh của các ứng dụng giao đồ ăn sẽ thuộc về những ứng dụng có nhiều tài xế, chủ động được về nguồn lực tài xế như Grab, Ahamove, Now. Những ứng dụng có ít shiper hay không chủ động được shipper sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh.
So sánh về ưu, nhược điểm của các ứng dụng giao đồ ăn sau một thời gian trải nghiệm, anh Công cho biết, mỗi ứng dụng có một ưu điểm khác nhau. Ví dụ, Now là ứng dụng đi đầu tiên nên hoàn thiện hơn, có nhiều cửa hàng hơn, có nhiều khách mua hơn, đồng thời phí hoa hồng của Now cũng ở hàng thấp nhất, đội ngũ giao hàng của Now cũng đông nên có thể nói Now hiện đang là ứng dụng giao đồ ăn số 1.
Grabfood tuy đi sau, mới ra thị trường nhưng Grab lại có thế mạnh về công nghệ và thế mạnh về đội ngũ tài xế đông nên khả năng giao hàng cho khách nhanh, cũng là một lợi thế.
Lala ra đời được hơn 1 năm, số lượng người bán hàng và người mua khá đông, tuy Lala dùng đội ngũ giao hàng của Ahamove nhưng đội tài xế của Ahmove không đông bằng Grab nên có những thời điểm ít người giao hàng, khách đặt hàng rất lâu mới có người đến lấy đồ ăn đi giao. Nếu so với Grab thì khả năng giao hàng nhanh của Ahamove kém hơn.
Vietnammm tuy vào Việt Nam đầu tiên, có thế mạnh chủ yếu bán đồ ăn khá cao cấp, chủ yếu các món ăn Âu cho khách hàng là người nước ngoài, nhưng điểm yếu của Vietnammm là không có đội ngũ giao hàng, khi có khách đặt hàng Vietnammm phải tự đặt ship, nên nhiều khi thời gian giao hàng quá lâu. Chẳng hạn phản hồi trên trang của Vietnammm có khách hàng than phiền sau khi đặt món phở qua trang này thì 2h sau mới được giao. Thời gian giao hàng chậm đôi khi cũng là một điểm yếu khiến dịch vụ của Vietnammm khó có thể phát triển mạnh như những ứng dụng mới ra thị trường như Grab hay Lala.
Trao đổi với ICTnews ông Trường Bomi, CEO của Lala, xu hướng thị trường sẽ tích hợp ứng dụng giao đồ ăn vào các siêu ứng dụng như Zalo, Grab, Go-Viet, Lala, Now, thị trường sắp tới sẽ hình thành những liên minh giữa các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, giao hàng, các nhà bán hàng. Cuộc chiến giành người người dùng của các siêu ứng dụng sẽ vô cùng khốc liệt.