- Bệnh cúm A H1N1 là căn bệnh có tốc độ lây truyền nhanh và nguy cơ gây tử vong khá cao. Bởi vậy khi trẻ mắc phải bệnh này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. Tuy nhiên, cách điều trị cúm A H1N1 ở trẻ thích hợp có thể chữa khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe cho bé.


Cách ly hoàn toàn

Trước khi thực hiện các cách điều trị cúm A H1N1 ở trẻ em thì điều đầu tiên nếu kết quả cho thấy bé đã nhiễm bệnh thì các bác sĩ sẽ phải chỉ định cách ly cho bé để tránh lây lan trong cộng đồng. Vì thế, bé có thể phải nhập viện/cơ sở y tế và được bố trí điều trị tại các khu cách ly để theo dõi diễn biến của bệnh hoặc được hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà.

 

Khoanh vùng khu vực phát sinh ổ dịch bệnh

{keywords}

Tại nơi bé đang sinh sống nên thông báo để khoanh vùng ổ dịch và tiến hành các biện pháp diệt ổ dịch và phun thuốc dự phòng cần thiết. Nếu bé đang đi học, bạn cần thông báo với nhà trường về tình trạng của bé để nhà trường có kế hoạch phòng chống cho các bé khác.

 

Điều trị bằng thuốc kháng virus

Tùy vào mức độ nhiễm bệnh nặng hay nhẹ mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất khi được dùng sớm ngay sau khi mắc bệnh (trong vòng hai ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng). Thuốc kháng virus có thể làm cho các triệu chứng cúm nhẹ hơn và có thể rút ngắn thời gian bị bệnh.

Điều trị sớm bằng thuốc kháng virus làm giảm tỷ lệ bị viêm tai và giảm nhu cầu dùng kháng sinh ở trẻ em từ 1 đến 12 tuổi, giảm bớt các biến chứng nặng liên quan đến cúm ở trẻ em. Điều trị bằng thuốc kháng virus có thể đặc biệt quan trọng đối với những trẻ có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến cúm.

 

Một số biện pháp hỗ trợ

Ngoài những biện pháp điều trị bằng thuốc, cần tiến hành một số biện pháp hỗ trợ bé trong giai đoạn bị cúm. Tùy theo các triệu chứng bé thể hiện mà có biện pháp hỗ trợ thích hợp:

- Hạ sốt: triệu chứng khá phổ biến của bệnh cúm A/H1N1. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 38,50C thì chỉ được dùng thuốc hạ sốt paracetamol, liều dùng từ 10-15mg/1kg cân nặng của bé (ví dụ: bé nặng 10 kg có thể uống 1 lần từ 100-150mg paracetamol khi bị sốt), cách 4-6 giờ sử dụng lại nếu bé tiếp tục sốt cao.

Bé ngạt mũi, sổ mũi: Bạn phải dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc thuốc nhỏ mũi chuyên dùng nhỏ mũi, giúp làm loãng mũi, sau đó hút sạch và xịt lại bằng thuốc xịt mũi. Dùng khăn mềm, ẩm để lau cho bé.

Nếu bé sổ mũi, ngạt mũi nhiều, bạn có thể giúp bé làm sạch mũi bằng cách dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho bé. Các dịch hút sau đó phải được bỏ đúng nơi quy định.

Bé ho: Bố mẹ có thể giúp bé giảm rát họng bằng cách tăng cường cho bé uống nước ấm, hoặc hấp quất, hẹ và mật ong (hoặc đường phèn) rồi cho bé nhấm nháp. Ngoài ra bạn cũng nên thường xuyên vỗ lưng cho bé để giúp long đờm, giảm ho. Nếu bé ho nhiều thì có thể dùng khí dung cho bé.

Bé nôn trớ khi ăn: do có đờm hoặc do ho kích ứng, bé sẽ hay nôn trớ trong khi ăn. Bạn nên để bé nôn trớ hết ra, sau đó cho ăn lại.

Bé bị tiêu chảy: cho bé uống men tiêu hóa, men sống bổ sung, tăng cường uống nước để bù mất nước.

 

Chăm sóc dinh dưỡng bé trong thời gian bệnh

Trong trường hợp bé bị bệnh nhẹ và ăn bằng đường miệng thường:

- Món ăn nên chế biến mềm, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng như cháo, sữa, nước trái cây. Cho bé ăn khi thức ăn còn ấm.

- Tăng số bữa ăn/ngày nhưng giảm số lượng thức ăn/bữa: giúp bé vẫn nạp đủ năng lượng nhưng hạn chế nôn trớ và cảm giác chán ăn.

- Nên xúc cho bé ăn chậm, dừng lại khi bé không muốn ăn và bổ sung món ăn bé thích.

Nếu bệnh nặng hơn: Cho bé ăn qua đường ống thông dạ dày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh quá nặng thì có thể cho ăn bằng đường tĩnh mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.

Kháng sinh: nếu bé bị bội nhiễm sẽ được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn dùng kháng sinh hỗ trợ. Hỗ trợ hô hấp và các biện pháp can thiệp khác sẽ được tiến hành nếu xuất hiện biến chứng nhanh và cấp.

Việc hiểu và nắm rõ những dấu hiệu của cúm A H1N1 sẽ giúp bố mẹ của bé chủ động hơn trong việc ngăn chặn tình trạng bệnh cúm AH1N1 phát triển tệ hơn. Nhất là với trẻ em, có sức đề kháng yếu.

Nguyễn Thu Hiền