Chư Păh là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Gia Lai, có 2 dân tộc chính là Jrai và Bahnar cùng sinh sống, chiếm 55,09% dân số. Đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 7,16%.
Thông tin từ Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 do UBND huyện Chư Păh tổ chức ngày 18/11 cho thấy hiện thu nhập bình quân đầu người tại huyện này ước đạt 53 triệu đồng/người/năm (tăng 4,95% so với năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện giảm còn 5,46% (tương đương mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7%). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96,35% (tăng 0,46% so với năm 2023)...
Hỗ trợ thiết thực
Giảm nghèo bền vững, đa chiều được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao đời sống người dân một cách thực chất. Huyện Chư Păh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời triển khai nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo đa chiều. Huyện cũng bám sát nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch thực hiện Chương trình MTGQ giảm nghèo bền vững và các chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo cụ thể mà UBND tỉnh Gia Lai đã đề ra.
Ngoài hỗ trợ về nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo, đặc biệt các hộ dân tộc thiểu số, tập trung nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, huyện Chư Păh chú trọng đa dạng hoá sinh kế, phát triển sản xuất cho người dân.
Đơn cử, tại xã Ia Nhin, hồi tháng 8, 14 con bò cái sinh sản được bàn giao cho 14 hộ nghèo, cận nghèo ở làng Kênh Chóp và làng Bàng, nguồn vốn thuộc Dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Những con bò cái giống đã được tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ của ngành chuyên môn.
Hay tại xã Ia Kreng, giữa tháng 10, UBND xã đã bàn giao 44 con bò giống sinh sản cho 44 hộ nghèo và cận nghèo tại làng Doch 2. Bò giống được trao đảm bảo khỏe mạnh. Trước khi nhận bò, các hộ dân được cán bộ chuyên môn của đơn vị cung cấp con giống hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại cũng như cách xử lý một số bệnh thường gặp.
Cũng như nhiều địa phương tại Gia Lai, chương trình trao bò giống sinh sản thuộc nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là hoạt động an sinh xã hội thiết thực, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Chư Păh vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Được bàn giao bò giống, các hộ dân phấn khởi, hứa sẽ chăm sóc nuôi dưỡng bò phát triển, sinh sản tốt tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ngoài bò giống, dê cũng là vật nuôi được huyện Chư Păh lựa chọn trở thành sinh kế để trao cho các hộ nghèo, cận nghèo là "bàn đạp" để vươn lên thoát nghèo. Đây là loài dễ nuôi, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, tập quán chăn nuôi của người dân.
Tại xã Nghĩa Hoà, gia đình ông Đỗ Viết Tuấn (thôn 1) thuộc diện cận nghèo, ông Tuấn bị bệnh nên việc nặng khó thực hiện. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 6 sào cà phê nhưng vườn cây đã già cỗi, năng suất thấp, nguồn thu không ổn định.
Năm nay, gia đình ông Tuấn được chính quyền địa phương hỗ trợ 6 con dê sinh sản từ nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Trên toàn xã Nghĩa Hoà, 12 hộ nghèo được hỗ trợ dê để phát triển kinh tế, nay đàn dê đang phát triển ổn định. Ông Tuấn và các hộ coi đây là nguồn sinh kế để vươn lên thoát nghèo trong những năm tới.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Huyện Chư Păh có 18 dự án theo đề xuất của cộng đồng để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Tiểu dự án 1- Dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững). Trong số này, 13/18 dự án chăn nuôi dê, bò sinh sản. 5 dự án còn lại hỗ trợ vật tư nông nghiệp, giống cây trồng.
Tổng cộng có 114 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng và 16 hộ sản xuất khá, giỏi tham gia hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ còn lại.
Để sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đúng địa chỉ, phát huy tối đa giá trị sinh kế đã hỗ trợ cho người dân nghèo, một trong những cách làm mới của huyện Chư Păh là thành lập Tổ thẩm định gồm các phòng, ban liên quan để hỗ trợ các xã, thị trấn thẩm định phương án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề xuất của cộng đồng. Trong khi đó, các thôn, làng sẽ thành lập tổ cộng đồng hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế.
Lãnh đạo xã Nghĩa Hòa cho hay xã thành lập Tổ cộng đồng hợp tác chăn nuôi dê, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn quy trình chăn nuôi dê cho các hộ dân.
Còn tại thôn Hreng (xã Hoà Phú) - nơi năm nay có 3 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3, thôn cũng thành lập Tổ giám sát cộng đồng, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc.
So với trước đây, các dự án, phương án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đã có sự thay đổi lớn. Đối tượng hỗ trợ không sản xuất nhỏ lẻ mà phải thông qua tổ cộng đồng thôn, làng để các hộ cùng liên kết. Ngoài ra, "đầu tàu" - Tổ trưởng các tổ cộng đồng không chỉ là người sản xuất giỏi mà còn là người uy tín, tham gia tích cực hoạt động trong các chi hội ở thôn, làng.
Bên cạnh đó, hộ nghèo, cận nghèo ngoài quyền lợi được tự lựa chọn cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của gia đình thì phải đảm bảo các nghĩa vụ đi kèm.
Cụ thể, ngoài cam kết không được bán, tặng cho người khác; thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch bệnh cho vật nuôi, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án phải cam kết và có mục tiêu thoát nghèo rõ ràng. Điều này giúp các hộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên.